Ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, đơn vị mới phát hiện 3 loài động vật mới là Gà so, Chim di xanh và Chích đầu nhọn tại Khu bảo tồn này.
Cũng theo ông Sinh, việc phát hiện Gà so (Bambusicola fytchii), chim Di xanh (Erythrura prasina) và Chích đầu nhọn phương đông (Acrocephalus orientalis) là 3 loài mới phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) mà chưa từng được ghi nhận ở vùng Bắc Trung Bộ, đã bổ sung thêm 10 loài chim vào danh lục các loài chim của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thêm phong phú.
Được biết, trong thời gian qua, một số công trình nghiên cứu của tổ chức Frontier-Việt Nam và Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga mới chỉ có tính chất khảo sát, đánh giá sơ bộ bước đầu. Vì thế, để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về tính đa dạng khu hệ chim, năm 2019 – BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã có đề tài khoa học nghiên cứu, đánh giá đặc điểm khu hệ chim (Aves).
Kết nghiên cứu bước đầu đã ghi nhận bổ sung mới nêu trên là hết sức quan trọng cho dữ liệu khoa học về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và của khu hệ chim nói riêng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Được biết, kết quả điều tra, nghiên cứu của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho thấy, trong số 16 bộ chim ghi nhận được thì bộ Sẻ (Passeriformes) có số họ và số loài đa dạng nhất với 115 loài và 31 họ; tiếp đến các bộ như bộ Sả (Coraciiformes), bộ Gõ Kiến (Piciformes), bộ Cu cu (Cuculiformes) có tính đa dạng tương đối cao.
So với khu hệ chim của Việt Nam thì khu hệ chim ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tương đối đa dạng và phong phú với 19,17 % tổng số loài; 57,95 % tổng số họ và 80 % tổng số bộ chim của khu hệ chim Việt Nam.
Hiện, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có 6 loài chim trong danh lục đỏ IUCN (sách đỏ thế giới năm 2019), 4 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007), 14 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 02 loài trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP.