Giữ “vàng” ở đỉnh Tà Xông – Bài 1

Bài 1 – “Kho báu” nơi cổng trời

Cây thông là một loại cây mà suốt nhiều năm qua, mỗi cán bộ Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu) vẫn coi là thứ “vàng 10”. Họ bảo nhau phải giữ bằng được loài cây ấy. Cây còn, Khu bảo tồn còn…

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu) thường xuyên kiểm tra, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ các quần thể thông Pà Cò tại khu bảo tồn.

Cây thông Pà Cò, loài thực vật được đưa vào sách đỏ không chỉ của Việt Nam, mà nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đang lo ngại về sự biến mất của loài cây này. Với ý nghĩa đó, thông Pà Cò đã trở thành “linh hồn” của Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò. “Chính nhờ loài thông ấy mới có khu bảo tồn này…” – đồng chí Bùi Văn Đoàn, Trưởng BQL Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò chia sẻ.

Gian nan đường tìm “vàng” trên đỉnh núi đá tai mèo

“Trơn lắm đấy! Bám chắc vào thân cây, bám vào đá mà bước…”. Gần 1 tiếng đồng hồ len rừng, bám đá đến bở hơi tai mà Phó trưởng BQL Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò Sùng A Vàng vẫn lưu ý, nhắc nhở. Là người của những cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh núi Tà Xông, nên không chỉ anh Sùng A Vàng, mà cả Nguyễn Tiến Khanh, Đội trưởng Đội Pháp chế; Hà Công Tùng, cán bộ phụ trách xã Cun Pheo, Bao La; Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách xã Hang Kia, Pà Cò đều thuộc rừng như lòng bàn tay, hiểu những hiểm nguy khi đi rừng, nên thường xuyên nhắc nhở những kẻ “không chuyên” như chúng tôi trong chuyến đi xuyên rừng cheo leo, hiểm trở để đến với những “báu vật” của Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò: thông Pà Cò.

Thậm chí ngay trước chuyến đi, Trưởng BQL Khu BTTN Bùi Văn Đoàn còn cẩn thận dặn dò: Thông Pà Cò là loại thực vật chỉ thị độ cao. Do vậy, các quần thể thông chỉ mọc ở độ cao từ 1.000 m trở lên. Dựa theo sự phân bố theo các quần thể, BQL Khu bảo tồn đã chia thành 15 tuyến để quản lý, bảo vệ. Các quần thể thông Pà Cò đều mọc trên đỉnh núi, hoặc ở các vách đá cheo leo, không có quần thể nào mọc ở độ cao dưới 1.000 m, nên rất khó tiếp cận. Mọi người cần cẩn thận…

Để đến với những quần thể thông Pà Cò trên đỉnh Tà Xông còn khó hơn so với những gì mà chúng tôi tưởng tượng. Là một trong những đỉnh núi cao nhất của dãy núi Pà Háng, thường xuyên có sương mù, mây phủ. Đường đi chủ yếu men theo vách núi đá phủ đầy rêu và địa y trơn trượt. Trên là đá, dưới là vực lởm chởm tai mèo sắc ngọt. “Chỉ cần trượt chân là bị rơi xuống vực sâu cả trăm mét. Mà một người trượt ngã sẽ kéo theo những người phía sau ngã theo. Nguy hiểm lại càng nguy hiểm thêm” – anh Sùng A Vàng liên tục lưu ý.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vịn cây, bám đá dò dẫm, chúng tôi cũng đã đến được điểm có thông Pà Cò. “Nó ở ngay gần đây rồi. Từ đây lên đến chỗ quần thể 3 cây thông trên đỉnh núi chỉ còn khoảng 150 m nữa. Nhưng sẽ phải đi bằng… tay nhiều hơn. Trời nhiều sương mù, nếu đi cũng không an toàn” – anh Bùi Văn Công, cán bộ phụ trách địa bàn xã Hang Kia, Pà Cò vừa ngước mặt lên phía trên vừa bảo.

Đó là một vách núi dựng đứng ướt sũng. Không dễ để trèo, bám.

Sau khi hội ý, chúng tôi quyết định không cố mạo hiểm. Từ đây sẽ đi tuyến khác. Nơi có quần thể 11 cây thông Pà Cò…

Nơi chỉ dành cho những người… yêu thông

Từ tuyến thông trên đỉnh Tà Xông sau gần 1 giờ xuyên rừng, chúng tôi có mặt trên đỉnh núi Pà Cò ở độ cao gần 1.300 m. Giữa cánh rừng nguyên sinh, những cây thông Pà Cò vút cao, xòe tán, thân, rễ khỏe khoắn bám chặt vào vách núi cheo leo. Thông đấy! Bất chợt có tiếng reo vui lẫn trong tiếng gió vi vút thổi.

Không lẫn với loài cây nào khác. Dù ở nơi đỉnh núi, chỉ toàn đá, nhưng Thông vẫn hiên ngang, mạnh mẽ vươn mình đón nắng. “Những hôm trời quang, không có sương mù thì đứng ở xa cũng có thể nhìn thấy những cây thông Pà Cò. Nó có tán xòe ra như những chiếc ô. Không lẫn vào đâu được” – anh Sùng A Vàng cho biết. Giống như những cây thông Pà Cò khác tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, quần thể 11 cây thông trên đỉnh núi Pà Cò có đường kính từ 40 – 60 cm, chiều cao trung bình từ 5 – 7 m đều được đánh số và được bảo vệ nghiêm ngặt. “Nhìn vậy thôi, nhưng chúng đều là cổ thụ rồi đấy. Vì sinh trưởng trên đỉnh núi đá, có điều kiện khắc nghiệt về thời tiết và dinh dưỡng, nên cây phát triển rất chậm. Các cây thông ở đây hầu hết đều có tuổi lên đến hàng trăm năm”, tay xoa vào thân, mắt hướng theo tán lá vươn rộng ra phía khoảng không đón ánh nắng mặt trời, anh Bùi Văn Công nói như tâm sự với chính những cây thông đã hiên ngang vượt qua giông gió trên đỉnh núi từ bao đời nay.

Theo thống kê, hiện nay, Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò còn 200 cây thông Pà Cò. Trong đó, 186 cây đã được treo biển định danh, đánh số thứ tự, 14 cây còn lại do mọc ở những địa hình khó tiếp cận, chênh vênh trên vách đá cao nên không thể treo biển, đánh số. Để quản lý, bảo vệ, BQL Khu BTTN đã chia thành 15 tuyến. Thường xuyên có cán bộ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ. Tất cả đều được đánh dấu tọa độ trên bản đồ điện tử. “Tôi là người may mắn khi được tự tay đóng biển đánh số, định danh cho toàn bộ 186 cây thông Pà Cò. Mỗi lần đánh số cho một cây có cảm giác như mình được đặt tên cho một đứa con vậy, cảm giác rất khó tả” – anh Bùi Văn Công chia sẻ.

Không chỉ có anh Công mà ở khắp vùng núi Pà Cò này, vẫn còn nhiều người yêu thông, yêu loài cây được đặt tên của vùng đất này như Khà A Lứ, Vàng Thị Mại ở xóm Hang Kia (xã Hang Kia), Sùng A Lư ở Pà Cò (xã Pà Cò)… Họ đã không tiếc công, tiếc của tự nguyện bảo vệ, giữ gìn không chỉ cây thông, mà giữ cho cả những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh tốt. “Đây thực sự là một điều rất cần thiết. Bởi không giữ được những quần thể thông Pà Cò, thì sẽ vĩnh viễn mất đi một “kho báu” vô cùng lớn về nguồn gen quý trong bảo tồn đa dạng sinh học, mà không thể phục hồi lại được”- đồng chí Bùi Văn Đoàn, Trưởng BQL Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò chia sẻ thêm.

(Còn nữa)