Ngang nhiên phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa Đắk Lắk và Gia Lai

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác rừng trái pháp luật diễn ra phức tạp ở khu vực giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Hiện trường vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh với lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 617 của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, tình trạng khai thác rừng trái pháp luật diễn ra phức tạp ở khu vực giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã vượt qua con đường “độc đạo” do Công ty MDF Vinafor Gia Lai mở ra để thác rừng trồng, nhằm tiếp cận một trong những hiện trường vụ phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai với khu vực lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 617 của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Tại hiện trường, trên một diện tích nhỏ thuộc địa phận huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có hàng trăm cây bằng lăng bị đốn hạ nằm la liệt. Tiếp tục đi sâu vào địa phận của khu vực lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 617 của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, phóng viên ghi nhận nhiều cây bằng lăng bị đốn hạ nằm rải rác.

Không chỉ ngang nhiên phá rừng, lâm tặc còn cưa, xẻ gỗ thành tấm và lựa chọn những phần gỗ có giá trị, vận chuyển ra khỏi rừng, để lại phần gốc, cành, gỗ giá trị thấp nằm ngổn ngang giữa rừng tự nhiên. Nhiều gốc cây, cành, thân gỗ đã khô nằm rải rác cùng với gốc cây, thân cây còn tươi, vết cắt, mùn cưa cũng còn khá mới. Điều này cho thấy hoạt động phá rừng đã diễn ra trong thời gian dài và thường xuyên.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, khu vực rừng bị xâm hại trải dài trên toàn bộ vùng giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Các loài cây bị khai thác trái phép không chỉ là thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm mà còn cả các loại cây rừng thông thường như bằng lăng, gáo vàng, ké, sao…

Các đối tượng vi phạm thường tập trung thành 7 đến 8 nhóm, mỗi nhóm có khoảng 5-10 người. Chúng lợi dụng việc Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, trà trộn với nhân công khai thác rừng trồng, dựng lán tại khu vực giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, từ đó xâm nhập vào Khu bảo tồn để khai thác gỗ.

Sau đó, các đối tượng dùng xe máy độ chế để vận chuyển, tập kết tại khu vực rừng trồng của Công ty MDF Vinafor Gia Lai. Số gỗ trên được các đối tượng đầu nậu mua theo kilôgram, sau đó sử dụng xe ô tô vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Trên con đường “độc đạo” do Công ty MDF Vinafor Gia Lai mở ra để khai thác rừng trồng, vào ngày 7/5, có hàng chục chiếc xe độ chế của người dân nối đuôi nhau chở theo gỗ rừng chạy từ phía rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai hướng về Quốc lộ 29, thuộc địa phận huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Điều này cho thấy, ngoài việc khai thác gỗ có tổ chức của các nhóm lâm tặc thì việc người dân dùng xe máy độ chế xâm nhập, hủy hoại rừng cũng diễn ra “công khai,” đẩy khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh Đắk Lắk-Gia Lai trở thành điểm nóng phá rừng.

Tại hiện trường chỉ còn lại những gốc cây bằng lăng mới bị đốn hạ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có hơn 20 km tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Hoạt động phá rừng tại khu vực giáp ranh này đã diễn biến phức tạp trong nhiều năm qua. Đặc biệt, từ năm 2017 đến năm 2019, tại khu vực này, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện và xử lý 78 vụ/96 đối tượng vi phạm.

Điển hình, ngày 22/9/2019, lực lượng Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện tại tiểu khu 618 do Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quản lý có 13 đối tượng đang dùng cưa máy khai thác rừng trái pháp luật; tang vật thu được gồm 1,756m3 gỗ tròn, chủng loại gỗ giáng hương nhóm IIA (thuộc loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm).

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khu vực giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với tỉnh Gia Lai trở thành “điểm nóng” của nạn phá rừng đã đặt Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô vào tình trạng báo động bởi các đối tượng “sẵn sàng” xâm phạm, khai thác, săn bắt các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu đang được bảo tồn.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục Trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng tăng cường lực lượng và các biện pháp bảo vệ rừng. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.

Trong những ngày tới, lực lượng kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với chủ rừng kiểm tra các khu vực giáp ranh để có hướng chỉ đạo, giải pháp kịp thời đồng thời kiểm lâm tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai để tuần tra, truy quét những “điểm nóng” của khu vực rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai nhằm tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.

Trước tình trạng báo động khi nguồn tài nguyên rừng tại khu vực giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bị tác động mạnh, ngày 15/4/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với Đắk Lắk; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk để mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.

Theo Tuấn Anh/TTXVN

Nguồn: