Lời kinh cầu nguyện cho các loài bị mất đi có thể gây choáng váng, dẫn đến cái được gọi là “tâm linh tê liệt”. Nhưng khi sự phục hồi của các loài từ đại bàng đầu trắng cho đến cá voi lưng gù cho thấy hành động của chúng ta có ý nghĩ thế nào trong việc cứu các loài cũng như sự sống động và vẻ đẹp chúng mang lại cho thế giới.
Có thứ trở nên tốt hơn, có thứ tệ đi. Năm ngoái, một hội đồng của Liên hợp quốc công bố tóm tắt của một báo cáo sắp công bố, ngoại suy dựa trên tỷ lệ các loài mà IUCN là “bị đe dọa” hoặc “nguy cấp” là một triệu loài phải đối mặt với tình trạng tuyệt chủng trong thế kỷ này.
Nếu có điều gì tắc trách trong bảo tồn và phong trào môi trường thì là không đủ khả năng ghi nhớ rằng số liệu thống kê hàng loạt che đậy những bi kịch thực sự, và những con số làm chúng ta tê liệt. Mỗi loài đứng riêng rẽ không đủ giọng để hát lên vở opera bi thảm của riêng mình. Nhưng khi những rắc rối cất lên thành điệp khúc, tất cả sẽ tạo ra đồng vọng.
Nghịch lý khó vượt qua nhất của bảo tồn là các loài “phổ biến nhất” đang có xu hướng tuyệt chủng. Tất cả 10 loài động vật lôi cuốn nhất: gấu trúc, voi, sư tử, hổ… – những loài chúng ta vẽ trên tường trong phòng con cái – đều có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Sự phổ biến trong thế giới phát triển thậm chí còn đẩy các loài nguy cấp vào quan niệm sai lệch của công chúng về an toàn. Số lượng đồ chơi trẻ em “ hươu cao cổ Sophie” được bán ở Pháp năm 2010 (800.000) đã vượt quá số trẻ sơ sinh của nước này và gấp hơn 8 lần số lượng hươu cao cổ thực sự còn sống ở châu Phi.
Các quần thể động vật đang suy giảm rất nhanh và nhiều đến mức các nhà khoa học đã phát minh ra thuật ngữ “defaunation” (suy giảm các loài hoang dã). Trong 4 thập kỷ qua, sự phong phú về quần thể ở các loài động vật có xương sống đã giảm trung bình khoảng 1/3. Các loài được xếp loại nguy cấp cho đến khi chúng trở nên hiếm gặp, chúng ta buộc phải thức tỉnh trước sự suy giảm trên diện rộng đang diễn ra.
Số liệu thống kê là không thể bỏ qua nhưng ít nhất chúng ta có thể đập vỡ thống kê tròn trịa của một triệu loài đang nguy cấp thành các con số nhiều phân đoạn hơn. 1/5 động vật có vú bị đe dọa tuyệt chủng. 1/8 các loài chim, tức là hơn 1.450 loài bị đe dọa. Loài chim bị đe dọa cao nhất thuộc về vẹt; khoảng 1/2 trong số 400 loài vẹt đang suy giảm do nông nghiệp, khai thác gỗ, bị bắt để làm cảnh, bị giết để ăn thịt và bị giết vì là “loài có hại” cho cây trồng. Vẹt xám châu Phi sống tự do phải đối mặt với sự tuyệt chủng trong tự nhiên và giảm xuống còn 1% trước kia. Bắc Mỹ đã mất gần 30% chim chóc tính từ năm 1970 và xu hướng này gần như được lặp lại ở châu Âu. Năm loài chim tuyệt chủng trong tự nhiên hiện lay lắt trong tình trạng nuôi nhốt nhưng số phận của chúng sẽ thế nào?
Trên con thuyền cứu thế không có đủ chỗ cho tất cả các loài. Các bệnh dịch mới làm giảm các quần thể trước đây rất phong phú. Trong số 6.300 loài động vật lưỡng cư, 1/3 đang suy giảm dần, với 165 loài biến mất từ năm 1970, nhiều loài loài tuyệt chủng vì nhiễm nấm chytrid – các nhà nghiên cứu đã gọi là bệnh truyền nhiễm tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở động vật có xương sống. Một loại nấm mới khác, nấm mũi trắng (được phát hiện ở New York năm 2006) đã giết chết hàng triệu con dơi.
Vẹm nước ngọt tạo thành nhóm động vật xấu nhất, ít được biết tới nhất châu Mỹ. Hơn 200 trong số gần 300 loài ở Bắc Mỹ đang bị đe dọa bởi đường thủy xuống cấp, một số loài đã tuyệt chủng.
1/4 trong số hàng nghìn loài cá mập và cá đuối trên thế giới được coi là “sắp nguy cấp” và “cực kỳ nguy cấp”, chỉ 23% được coi là an toàn – tỷ lệ thấp nhất trong mọi loài động vật có xương sống. Cá mập đầu búa, cá mập mako, cá mập xanh… từng rất phong phú nhưng suy giảm dần vì là nguyên liệu cho một loại xúp xa xỉ.
Càng ngày các “sự kiện gây tử vong hàng loạt” càng nhiều, giết chết hàng nghìn cá thể. Năm 2015, 200.000 con linh dương saiga tại Kazakhstan (chiếm 60% quần thể thế giới) đã chết trong vòng một tuần khi nhiệt độ và độ ẩm bất thường biến một loại vi khuẩn vô hại thành chết chóc. Ở Úc, tổng số động vật hoang dã chết trong các vụ hỏa hoạn gần đây là chứng minh hùng hồn khi các loài biểu tượng như gấu túi và thú mỏ vịt giảm mạnh.
Trong nhiêu năm qua, thức ăn giảm dần đi liền với hiện tượng nước ấm lên khiến hải âu cổ rụt, hải âu bồ hóng, hải âu Fulmar, chim biển Rissa, chim cun cút, mòng biển và hàng trăm ngàn con chim anca bị chết đói hàng loạt từ Alaska đến Bờ Tây Hoa Kỳ. Các nhà khoa học đã ghi nhận hơn 700 trường hợp tử vong hàng loạt kể từ cuối những năm 1800, ảnh hưởng đến hơn 2.400 quần thể từ động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư, bò sát và động vật không xương sống ở đại dương. Nhiều loài thậm chí không được ghi nhận.
Những loài trước đây phổ biến đang dần trở nên hiếm hoi. Chỉ riêng ở Bắc Mỹ, 20 loài chim phổ biến với số lượng khoảng hơn nửa triệu cá thể mỗi loài đã giảm hơn 50% trong 40 năm qua. Chim cút Virginia đã giảm hơn 80%, ngay cả trong sinh cảnh tốt. 19 loài chim biển Mỹ đã giảm 1/2 kể từ những năm 1970. Hải âu cổ rụt và các loài chim biển khác trên toàn thế giới đã giảm 70% kể từ năm 1950. Cú muỗi cũng giảm 70% kể từ năm 1976.
Ở Đức, các nhà khoa học đã ghi nhận các loài côn trùng bay giảm khoảng 80%, và tại rừng mưa nhiệt đới Luquillo, Puerto Rico các nhà nghiên cứu ghi nhận mức giảm tới 98% côn trùng trên mặt đất và 80% côn trùng tán cây, kèm theo sự sự giảm mạnh chim, ếch và thằn lằn ăn côn trùng. Các nhà khoa học hiện đang thu thập tài liệu về tình trạng giảm mạnh ở bướm, ong và côn trùng nói chung trên toàn thế giới do canh tác và hiện tượng ấm lên, với tốc độ tuyệt chủng nhanh hơn 8 lần động vật có vú và chim.
Nằm sâu trong danh sách tổn thất là một vài nguyên nhân chính: nông nghiệp làm thu hẹp sinh cảnh, khai thác gỗ, khai khoáng, các loại ô nhiễm từ thuốc trừ sâu đến chiếu sáng, xây đập và ba thứ quá mức: phát triển, đánh bắt và dân số.
Tất cả điều này cộng dồn thành một điều đáng lo ngại: Tại thời điểm này trong lịch sử thế giới, loài người đã tự đẩy mình vào hoàn cảnh không tương thích với phần còn lại sự sống trên Trái đất.
Trừ khi thấy được bức tranh lớn và quan tâm đến vai trò của mình trong việc duy trì hoặc phá hủy điều kỳ diệu của sự tồn tại, chúng ta sẽ tiếp tục phá hủy. Nhưng bức tranh lớn chính xác là những gì có thể khiến chúng ta tê liệt.
Khi chúng ta cùng nhau quyết định không để động vật bị tiêu diệt vĩnh viễn thì hiệu quả lập tức xuất hiện. Hơn 3/4 động vật có vú và rùa biển tăng đáng kể sau khi được bảo vệ theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Hoa Kỳ.
Ó cá – từng gần như bị xóa sổ vì thuốc trừ sâu DDT giờ đã tăng mạnh về số lượng và thong dong sải cánh trên vịnh cùng các con sông ở Hoa Kỳ. Ngài và bướm tăng lên khi các trang trại duy trì sinh cảnh giáp ranh. Nỗ lực bảo tồn khiến hơn 20 loài chim, nhiều động vật có vú – từ loài gặm nhấm đến cá voi – bước ra khỏi tình trạng bị lãng quên.
Các nhà bảo tồn trên khắp thế giới đang nỗ lực để ổn định quần thể đà điểu, tê giác, mèo lớn, gấu, vượn, sếu, hươu, linh dương, rái cá, bò xạ hương, vẹt, bướm và nhiều hơn nữa.
Nỗ lực bảo vệ mạnh mẽ loài hải âu mày đen – từng bị tiêu diệt trên hòn đảo làm tổ ở Bắc Thái Bình Dương để lấy lông – đã đưa loài này từ tình trạng chỉ còn 6 cá thể khi được tái phát hiện đến hơn 4.000 cá thể như hiện nay. Nhờ những nỗ lực phối hợp, loài hải âu Bermuda được cho là đã tuyệt chủng trong gần ba thế kỷ hiện có khoảng 100 cặp sinh sả. Được coi là loài sếu hiếm nhất trên thế giới, số lượng sếu Bắc Mỹ chạm mức 15 cá thể trưởng thành vào năm 1938. Ngày nay, sau những nỗ lực bảo tồn toàn diện, bao gồm nuôi nhốt và phục hồi một số quần thể sống tự do, có tới 250 cá thể trưởng thành và tổng quần thể gấp khoảng 2 lần.
Năm 1985, thần ưng California gần như biến mất, trong tự nhiên còn lại 6 cá thể. Nhưng chúng sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt. Ngày nay, có hơn 300 cá thể bay lượn tự do ở California, vùng hẻm núi Grand Canyon và bán đảo Baja, Mexico. Nhân giống và quản lý nuôi nhốt vẫn cần thiết để phục hồi nhưng một nghìn quả trứng thần ưng đã nở kể từ khi chương trình bắt đầu.
Không cá thể thần ưng nào có thể sải cánh trên bầu trời nếu Quốc hội Hoa Kỳ không thông qua Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng năm 1973. Đại bàng đầu trắng đã phục hồi từ khoảng 400 cặp sinh sản ở phía nam Canada những năm 1960 đến khoảng 14.000 cặp ngày nay; chúng đã rời khỏi danh sách loài nguy cấp từ năm 2007. Bồ nông nâu tăng hơn 700% trong 40 năm và cá sấu Mỹ, được đưa vào danh sách loài nguy cấp năm 1967, ngày nay có số lượng rất phong phú. Bò rừng Mỹ, có lẽ là sinh vật bị giết chóc bừa bãi nhất trong lịch sử, đã rơi từ mức 60 triệu xuống chỉ còn 23 cá thể hoang dã vào năm 1900 tại Yellowstone. Ngày nay có hơn 30.000 cá thể loài này.
Nhiều trường hợp hồi phục loài khác nhọc nhằn hơn nhưng ít được tôn vinh hơn. Linh dương sừng có sừng kiếm từ một quần thể hàng chục nghìn cá thể vào những năm 1930 đã tuyệt chủng trong tự nhiên vào đầu những năm 1990 và gần đây được tái thả ra tự nhiên ở Chad.
Loài ngựa hoang Mông Cổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên năm 1966 và đã được thả trở lại sinh cảnh thảo nguyên bản địa ở Mông Cổ.
Hươu David Père cũng tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng không phải trước khi 18 cá thể được đưa đến Anh thông qua nỗ lực nuôi nhốt, hơn 600 cá thể loài này lại được sống tự do trong vùng bản địa của chúng.
Cắt Mauritius chỉ còn một cặp sinh sản vào năm 1974, trải qua một chương trình chuyên sâu về sinh sản và quản lý nuôi nhốt và số lượng đã lên đến hàng trăm cá thể.
Tê giác đen giảm 98% so với số lượng năm 1960 vì nạn săn trộm; mặc dù mất một phân loài nhưng chương trình bảo tồn tích cực đã đưa số lượng loài tăng gấp đôi lên khoảng 5.000.
Cá voi xám bị săn bắt đến tuyệt chủng ở Đại Tây Dương và có lẽ chỉ có 150 cá thể ở Bắc Thái Bình Dương nhưng đã hồi phục ngoạn mục ở vùng Bờ Tây của Bắc Mỹ và thường quan sát thấy được từ bờ biển trải dọc Baja California đến Alaska.
Không ai góp sức vào tất cả những thành công. Nhưng mỗi người làm việc với mỗi loài và điều đó tạo nên sự khác biệt. Những thành công này giúp chúng ta tập trung vào những gì có ý nghĩa; và tuân theo những gì đẹp đẽ còn lại. Giống như ngọn lửa leo lét của ngọn nến nhỏ bé có thể thực sự đốt cháy bạn, điều quan trọng cần nhớ là ngay cả những tia sáng ngắn ngủi của sự sống – và hạnh phúc – chính là điều có thật.
Nhật Anh (Lược dịch từ 360 Yale Environment)