Bị nghiêm cấm, dân vẫn cố tình dọn thực bì bằng lửa. Rừng cháy. Tính mạng người đốt suýt bị cướp đi bởi hỏa hoạn. Nhưng nghiêm trọng hơn, hàng chục hécta rừng phòng hộ tại huyện Đông Giang, Quảng Nam đã bị thiêu rụi.
Đã 5 ngày trôi qua, ngọn lửa vẫn còn len sâu vào rừng nguyên sinh, đang lan rộng và có thể kéo dài cả tháng. Cháy rừng đầu nguồn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hồ thủy điện liền kề, mà cả vùng đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn của Quảng Nam, nước sinh hoạt các đô thị ở hạ du là Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn… sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Dọn rác rừng trồng, cháy luôn rừng phòng hộ
Đến 6.5, vụ cháy rừng phòng hộ tại huyện Đông Giang vẫn chưa chấm dứt. Có mặt tại hiện trường từ trưa 5.5, phóng viên Báo Lao Động ngợp, bởi rừng phòng hộ gần Nhà điều hành Thủy điện Sông Bung 5, thuộc thôn Cutchrun, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam bốc cháy trở lại dữ dội.
Người dân địa phương cho biết, từ nửa đêm 1.5 đã phát hiện chủ rừng trồng keo đốt thực bì, dọn rác để chuẩn bị vụ trồng mới. Đây là khu rừng giáp rừng phòng hộ (nguyên sinh). Có lẽ do phát ranh (tức dọn sạch ranh giới, phòng lửa cháy lan) khu vực giáp rừng phòng hộ chỉ có 2m nên ngọn lửa cháy lớn, kết hợp gió mạnh khiến đám cháy lây lan sang rừng phòng hộ. Trong nhóm người này, có 1 người tham gia đốt thực bì đã bị bỏng cháy nặng, phải đưa đi cấp cứu.
Ông Vũ Phúc Thịnh – Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang – cho biết, khu vực bị cháy thuộc khoảnh 7, tiểu khu 160 (rừng phòng hộ huyện Đông Giang). Hiện tại, ước tính khoảng có 10ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng. Đám cháy không phải cháy xuyên suốt mà nó âm ỉ dưới lớp biểu bì và bộc phát khi gặp gió.
“Nguyên nhân ban đầu được xác định đám cháy do lây lan từ việc đốt dọn rừng trồng. Rẫy keo tiếp giáp với khu rừng là của ông Phạm Ba, là nguyên cán bộ của Cty Lâm sản xuất khẩu Prao. Ông Ba được Cty này giao đất rừng theo Nghị định 01 của Chính phủ. Trước đó, ông Ba có liên hệ với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang đốt thực bì rẫy keo để chuẩn bị trồng mới nên đơn vị yêu cầu ông Ba phải đảm bảo công tác phòng cháy và phát ranh rộng 6-10m vì thời tiết đang khô nóng. Tuy nhiên do gió lớn khiến ngọn lửa cháy lan sang khu rừng phòng hộ. “Hiện đám cháy vẫn cứ âm ỉ và bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nên với thời tiết nắng nóng vẫn diễn ra như thế này thì có thể đám cháy kéo dài cả tháng. Hiện có hơn 100 người đang tích cực tham gia chữa cháy, còn nguyên nhân và trách nhiệm chính để xảy ra vụ cháy sau này các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, làm rõ” – ông Thịnh nói.
“Kho trữ nước” của dòng Vu Gia đang bị đe dọa
Ông Lê Quốc Hữu – Phó Giám đốc Thủy điện sông Bung 5 – cho biết, việc cháy rừng phòng hộ ở gần khu vực Thủy điện Sông Bung 5 trước mắt chưa ảnh hưởng gì nhiều về nguồn nước. Nhưng về lâu về dài thì các hồ chứa của thủy điện bậc thang đều bị tác động. Vì đây rừng phòng hộ đầu nguồn, là một trong những nơi giữ đất, trữ nước. Nói cách khác, rừng phòng hộ là nguồn nước dự trữ cho thủy điện và cả hệ thống sông Vu Gia. Hiện các hồ thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đã tích nước, điều hành đảm bảo nước sinh hoạt và tưới tiêu, nhưng cháy rừng diện rộng thế này thì mùa sau chắc chắn sẽ gánh hậu quả.
“Rừng cháy rồi thì không thể phục hồi được ngay trong vài năm. Vì vậy rừng đầu nguồn có vai trò rất quan trọng về việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt rừng già” – ông Hữu nói.
Trong những năm trở lại đây thì rừng Quảng Nam đang suy kiệt nhanh bởi việc xây dựng đồng loạt nhiều nhà máy thủy điện, làm đường giao thông. Số ít những cánh rừng phòng hộ còn sót lại đầu nguồn có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nguồn nước cho các hồ thủy lợi, thủy điện, đảm bảo cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và cả nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân ở hạ du gồm các TP.Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn… Những vụ cháy rừng do dân gây ra thường xuyên xảy ra vào mùa nắng nóng nhưng chưa có giải pháp hạn chế.