Ngừng nuôi thú lấy lông để tránh đại dịch toàn cầu

Gần đây, chồn vizon ở hai trang trại lông thú tại Hà Lan dương tính với Covid-19, trở thành loài có nguy cơ nhiễm virus. Cùng lúc, sư tử và hổ tại một vườn thú ở New York cũng nhiễm bệnh từ những người canh giữ.

Tiến sĩ Peta Hitchens thuộc Đại học Melbourne cho rằng virus corona có thể là thảm họa đối với động vật hoang dã nguy cấp và chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ chúng.

Điều này bao gồm quy định kỹ lưỡng về buôn bán động vật hoang dã cũng như bảo vệ các hệ sinh thái trước sự xâm lấn và hủy diệt của con người.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chồn vizon bị nhiễm bệnh. Danh sách động vật có vú bị lây nhiễm trong dịch SARS năm 2003 có ít nhất 16 loài, bao gồm chồn vizon, cầy hương, dơi ăn quả, một số loài dơi lá mũi, cáo đỏ, lợn rừng, lửng chó, mèo và chó nhà.

Giới chức Hà Lan tin rằng chồn vizon mắc bệnh từ công nhân nông trại và kể từ đó các trang trại đều phải tiến hành kiểm dịch.

Các trang trại chồn bị cấm thành lập mới từ năm 2013 trong khi các trang trại lông chồn hiện hữu được phép tồn tại đến năm 2024.

Ảnh: EPA

Tổ chức bảo vệ quyền động vật Peta viết một lá thư cho các bộ trưởng kêu gọi đóng cửa ngay lập tức các trang trại: “Việc cho phép các trang trại chồn vizon duy trì hoạt động kinh doanh bình thường trong gần 4 năm nữa trong lúc xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu xuất phát từ việc khai thác động vật sẽ là không thể tha thứ được từ quan điểm về cả rủi ro gây ra cho con người cũng như tác hại gây ra cho chính chồn vizon”.

Tổ chức Humane Society International đang thực hiện chiến dịch nhằm chấm dứt buôn bán lông thú ở cấp độ toàn cầu, cảnh báo nguy cơ ở các quốc gia khác đang nuôi hàng chục triệu cá thể chồn vizon, cáo, lửng chó, sóc chuột chinchilla và thỏ.

Giám đốc điều hành của Humane Society International/UK Claire Bass nhấn mạnh ngoài việc động vật phải chịu đựng đày đọa thì khả năng lây lan dịch bệnh là lý do chính khiến tất cả các công ty thời trang không sử dụng lông thú và các chính phủ phải đóng cửa hoạt động buôn bán không mấy tốt đẹp này.

“Một trong những bài học chúng ta phải học từ Covid-19 là không thể tiếp tục đẩy động vật đến giới hạn chịu đựng của chúng mà không gây hậu quả nghiêm trọng cho cả sức khỏe của động vật và con người”.

“Chúng tôi kêu gọi Hà Lan và các quốc gia khác đang trong quá trình loại bỏ việc nuôi thú lấy lông đóng cửa ngành này nhanh hơn hoặc vẫn còn chưa cam kết ban hành lệnh cấm, bao gồm cả Trung Quốc và Phần Lan nên thực hiện ngay bây giờ”.

Theo báo cáo năm 2016 do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố, 75% hoạt động buôn bán động vật hoang dã của Trung Quốc bị hoạt động nuôi thú lấy lông chi phối với các loài chủ yếu như như lửng chó, cáo và chồn vizon… Các loài này sau khi hết giá trị khai thác thường bị bán để làm thịt ở các chợ tươi sống động vật hoang dã.

Thế Anh (Theo BBC)

Nguồn: