Cho đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy nguồn gốc chính xác của SARS-CoV-2 có phải từ động vật hay không. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ vật nuôi đã được báo cáo bị nhiễm COVID-19, chủ yếu là sau khi tiếp xúc với những người mắc COVID-19. Mặc dù vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình, cần tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc động vật an toàn để tránh cho động vật bị lây nhiễm COVID-19…
Động vật có làm lây truyền COVID-19 sang cho người không?
Con đường lây truyền chủ yếu của COVID-19 là từ người sang người. Đến thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy động vật đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền COVID-19. Dựa trên các thông tin hạn chế có sẵn cho đến nay, nguy cơ động vật lây lan COVID-19 sang người được coi là thấp. Một số lượng nhỏ vật nuôi đã được báo cáo là bị nhiễm COVID-19, chủ yếu là sau khi tiếp xúc với những người mắc COVID-19.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng SARS-CoV-2 xuất phát từ loài dơi. Động vật đầu tiên nhiễm COVID-19 được xác định là một con hổ từ sở thú Bronx, New York, sau đó ghi nhận thêm 3 con hổ và 3 con sư tử đã mắc COVID-19. Sau đó, tại đây cũng xác nhận 2 con mèo nhà mắc bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy chồn sương cũng có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Các xét nghiệm kháng thể cho thấy chó ít có khả năng nhiễm SARS-CoV-2, trong khi heo, gà và vịt lại không tìm thấy bất kỳ chủng virus Corona nào.
Tuy nhiên, những động vật xét nghiệm có mang SARS-CoV-2 đều có tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Chưa có bằng chứng cho thấy người bị nhiễm COVID-19 do tiếp xúc với động vật.
Nếu nhiễm COVID-19, bạn nên làm gì với vật nuôi?
Theo khuyến cáo của CDC, nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và các động vật khác nếu bạn mắc COVID-19, bao gồm không vuốt ve, cưng nựng, hôn hay liếm, ăn cùng hay ngủ cùng. Nếu có thể, hãy nhờ một thành viên khác trong gia đình chăm sóc vật nuôi của bạn khi bạn bị bệnh. Nếu phải chăm sóc thú cưng của mình hoặc ở gần động vật trong khi bạn bị bệnh, hãy rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với vật nuôi và đeo khẩu trang. Hãy đối xử với vật nuôi như các thành viên khác trong gia đình để bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm bệnh.
Để vật nuôi không bị nhiễm COVID-19
Các chuyên gia khuyên:
– Trong thời điểm này, đừng để vật nuôi tiếp xúc với người hoặc động vật khác bên ngoài gia đình
– Nếu dắt thú cưng đi dạo, cần buộc dây xích, duy trì khoảng cách ít nhất 2 mét với người và động vật khác
– Tránh dắt thú cưng đến các công viên động vật hoặc những nơi công cộng, nơi một tập trung đông người và động vật.
– Nếu bạn bị bệnh COVID-19 và thú cưng của bạn nghi bị bệnh, đừng tự mình mang thú cưng đến phòng khám thú y. Hãy gọi điện và báo cho bác sĩ thú y biết tình hình. Bác sĩ thú y sẽ đánh giá tình trạng thú cưng và xác định các bước tiếp theo để điều trị, chăm sóc cho thú cưng.
Phòng tránh nhiễm bệnh từ động vật
– Rửa tay sau khi xử lý động vật, thức ăn, chất thải, đồ dùng của chúng.
– Thực hành vệ sinh vật nuôi tốt và dọn dẹp đúng cách.
– Nói chuyện với bác sĩ thú y nếu có thắc mắc về sức khỏe thú cưng của bạn.
– Lưu ý rằng trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, những người có hệ miễn dịch yếu và những người từ 65 tuổi trở lên có nhiều khả năng nhiễm bệnh từ động vật.
– Giữ gia đình của bạn, bao gồm cả vật nuôi, khoảng cách an toàn với động vật hoang dã.
– Không chạm vào động vật hoang dã hoặc chất thải của chúng.
– Rửa tay sau khi làm việc hoặc chơi bên ngoài.
– Tham khảo hướng dẫn của cơ quan động vật hoang dã.
ThS.BS. Hồ Mỹ Dung