Đại dịch COVID-19 đang khiến cho những sản phẩm làm từ nhựa để phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh trên toàn cầu tăng vọt. Giải quyết những núi rác thải nhựa khổng lồ một cách an toàn là vấn đề lớn mà các nước đang phải đối mặt.
Khủng hoảng COVID-19 đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) giữa các quốc gia khi chính phủ các nước nhanh chóng tăng cường dự trữ khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ. Nhiều nước khuyến khích hoặc yêu cầu công dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Mặc dù những động thái này an toàn khi nhìn từ góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song một thực tế không thể phủ nhận là các loại rác thải này ảnh hưởng trực tiếp đối với môi trường xung quanh.
Chưa có tính toán chính xác về tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi COVID-19 trở thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó. Theo tờ The Verge, chỉ tính riêng tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi khởi phát dịch bệnh, lượng rác thải y tế tại các bệnh viện đã tăng gấp 6 lần so với trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính mỗi ngày có tới 240 tấn rác. Đó chỉ là con số tại các bệnh viện ở một thành phố 11 triệu dân của Trung Quốc.
Với lượng rác khổng lồ như vậy, chính quyền các nước từ trung ương tới địa phương phải chật vật giải quyết. Các cơ sở sẵn có phải tăng cường công suất gấp nhiều lần. Nhiều nơi phải xây dựng thêm nhà máy xử lý rác thải cũng như hàng loạt cơ sở mới mang tính lưu động để kịp thời phản ứng. Công nhân phải làm việc hết công suất. AFP dẫn lời ông Joël Keller, Giám đốc một nhà máy xử lý rác thải y tế ở miền đông Pháp, cho hay mọi thứ đều phải tăng gấp đôi, gấp 3 từ năng lực xử lý, số nhân viên cho đến máy móc.
Không chỉ rác thải từ bệnh viện, khi dịch bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng thì rác do người dân thải ra cũng có thể trở thành chất thải y tế lây nhiễm. Công việc xử lý sẽ còn gian nan hơn vì rác từ nhiều nguồn và những người tiếp xúc cũng tăng lên.
Giới chức các nước đã tạm ngừng hoặc thu hồi một số lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, coi đây là một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Tại Anh, quy định tính thêm phí đối với túi nilon tạm thời không có hiệu lực. Một số bang tại Mỹ như Maine cũng tạm ngừng lệnh cấm sử dụng túi nilon. Các nhà bán lẻ, trong đó có chuỗi cửa hàng Starbuck, cấm các sản phẩm tái sử dụng.
Tháng 3, Hiệp hội ngành nhựa đã gửi một bức thư cho Bộ Y tế Mỹ, yêu cầu cơ quan này “đưa ra thông báo chính thức về những lợi ích cho sức khỏe con người khi sử dụng đồ n
hựa dùng một lần”. Đại dịch đang “buộc nhiều người Mỹ, các cơ sở kinh doanh và quan chức chính phủ nhận ra đồ nhựa dùng một lần là sự lựa chọn an toàn nhất”, tổ chức nhấn mạnh.
Bài toán không dễ dàng
Theo báo China Economic Daily, Vũ Hán thời điểm đỉnh dịch đã gấp rút xây dựng thêm các nhà máy xử lý chất thải y tế gần các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện dã chiến với năng lực xử lý lần lượt là 9, 15 và 4 tấn rác lâm sàng mỗi ngày. Tổng cộng có 17 cơ sở lưu trữ tạm thời chất thải y tế với tổng sức chứa 1.000 tấn ở Vũ Hán.
Trong khi nhà chức trách phải chuyển một số rác thải y tế tại Vũ Hán sang các thành phố lân cận để đốt, họ cũng cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ từ các công ty xử lý chất thải trên khắp Trung Quốc. Một số lò đốt rác di động được sử dụng trong dịch SARS được đưa tới Vũ Hán để giải quyết núi rác tại đây.
Nhiều quốc gia, tổ chức cũng đưa ra các giải pháp đối phó. Ví dụ, các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4 đã ban hành hướng dẫn quản lý rác thải trong khủng hoảng COVID-19. Theo đó, EU nêu rõ cách xử lý rác thải y tế cũng như yêu cầu biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân lực làm việc trong lĩnh vực liên quan.
Tại Ấn Độ, các hướng dẫn về việc xử lý rác thải trong quá trình điều trị cách ly những bệnh nhân dương tính và các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng được triển khai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cùng chính quyền các tiểu bang Mỹ cũng đưa ra những quy định về tiêu hủy rác thải y tế.
Tuy vậy, để giải quyết được bài toán này không phải chuyện dễ dàng. Không phải ở đâu cũng đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt ấy. Trước hết, giới chức và các cơ sở liên quan cần tính toán được khả năng cung ứng, kịp thời triển khai thêm và không để rác y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm tồn tại lâu mà không được xử lý.
Tiếp đến, phải có quy trình đầy đủ và phù hợp để có thể xử lý đúng cách, triển khai tới nhân viên lẫn mọi người dân để cùng gìn giữ cho nhau. Điều quan trọng nữa là cần nâng cao nhận thức cho các nhân viên môi trường, những người trực tiếp tham gia quá trình thu gom, xử lý rác thải, không chỉ từ bệnh viện mà ở cả cộng đồng dân cư, tránh nguy cơ đối với sức khỏe của họ và những người xung quanh.