Nếu tình hình phát thải khí nhà kính không giảm thì nơi sinh sống của gần 1/3 loài người sẽ trở nên nóng như những khu vực nóng nhất của sa mạc Sahara trong vòng 50 năm tới.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, sinh thái học và khoa học khí hậu từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, vừa được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences.
Phần lớn dân số thế giới sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 11-15°C và một phần nhỏ hơn sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình khoảng 20- 25°C. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, bất chấp mọi thay đổi, hầu hết loài người đã sống trong những điều kiện khí hậu này trong vài nghìn năm. Theo Giáo sư Marten Scheffer ở Đại học Wageningen – người cùng với đồng nghiệp người Trung Quốc Xu Chi, Đại học Nam Kinh, điều phối nghiên cứu – thực tế này chỉ ra rằng con người phụ thuộc vào những điều kiện cơ bản nhất định để tồn tại và phát triển.
Nhưng nhiệt độ trái đất được dự báo sẽ tăng nhanh do phát thải khí nhà kính. Nếu phát thải tiếp tục tăng với mức độ như hiện tại, thì đến năm 2070, nhiệt độ trung bình toàn cầu được ước tính sẽ tăng hơn 3°C. Tuy nhiên, đất liền sẽ nóng lên nhanh hơn nhiều so với đại dương, do đó mức nhiệt thực tế mà con người phải chịu có thể sẽ tăng 7,5°C.
Mức nhiệt này, kết hợp với thay đổi dân số toàn cầu dự kiến, dẫn đến khoảng 30% dân số dự kiến của thế giới sẽ sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình trên 29°C trong vòng 50 năm tới, nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng. Điều kiện khí hậu như vậy hiện chỉ xuất hiện ở 0,8% diện tích đất toàn cầu, chủ yếu ở những vùng nóng nhất của sa mạc Sahara, nhưng đến năm 2070 có thể lan rộng tới 19% diện tích đất trên hành tinh. “Tình trạng này sẽ đưa 3,5 tỷ người vào những điều kiện gần như không thể sống nổi,” Jens-Christian Svenning ở Đại học Aarhus, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Theo ước tính của nghiên cứu, Việt Nam sẽ có hơn 37 triệu người rơi vào các vùng điều kiện khí hậu nóng khắc nghiệt không thể sống được.
Nhưng “tin tốt là những tác động này có thể giảm đi rất nhiều nếu nhân loại thành công trong việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu,” theo đồng tác giả nghiên cứu Tim Lenton, chuyên gia khí hậu và Giám đốc Viện Các hệ thống Toàn cầu tại Đại học Exeter.
Các tác giả lưu ý rằng một số người có thể sẽ tìm cách di cư, nhưng nhiều yếu tố khác ngoài khí hậu sẽ ảnh hưởng đến quyết định di cư. Scheffer cho biết, “Dự báo lượng di cư thực tế do biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức. Người dân không thích di cư.”
“Chúng tôi đã rất bất ngờ với kết quả ban đầu,” Xu Chi nói. “Khi những phát hiện của chúng tôi quá nổi bật, chúng tôi đã dành thêm một năm để kiểm tra cẩn thận tất cả các giả định và tính toán. Chúng tôi cũng quyết định công bố tất cả dữ liệu để đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc tiếp theo của những người khác. Rõ ràng chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận toàn cầu để bảo vệ con cháu của chúng ta trước những căng thẳng xã hội tiềm tàng to lớn mà sự thay đổi dự kiến có thể gây ra.”