WHO khẳng định virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên

WHO chắc chắn rằng virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguồn gốc tự nhiên, đồng thời khẳng định việc xác định vật chủ tự nhiên của virus là vô cùng quan trọng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người lao động nước ngoài tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Sputniknews, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Michael J. Ryan ngày 1/5 tuyên bố WHO chắc chắn rằng virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguồn gốc tự nhiên, đồng thời khẳng định việc xác định vật chủ tự nhiên của virus là vô cùng quan trọng.

Phát biểu của ông Ryan được đưa ra trong một cuộc họp báo khi ông được hỏi liệu WHO có tin rằng một phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán ở Trung Quốc là khởi nguồn của chủng virus này cũng như tổ chức đã đưa ra hành động gì để xác định nguồn gốc đích thực của dịch bệnh.

Ông Ryan nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần lắng nghe nhiều nhà khoa học, những người nghiêm cứu hệ quả và chủng virus này, chúng tôi chắc chắn rằng virus có nguồn gốc tự nhiên. Điều quan trọng là chúng ta xác định được vật chủ tự nhiên của chủng virus này. Mục đích chính của việc này là đảm bảo được rằng chúng ta sẽ hiểu về virus hơn, hiểu được những điểm chung của động vật và con người và hiểu cách hàng rào loài người-động vật bị phá vỡ.”

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/5 tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” (PHEIC).

Ba tháng sau khi Ủy ban Khẩn cấp WHO lần đầu khuyến nghị Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp đối với dịch COVID-19, người đứng đầu WHO khẳng định dịch bệnh vẫn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế khi mà bệnh lây lan ngày càng rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém.

Ông Tedros bày tỏ “quan ngại sâu sắc về những tác động tiềm tàng” của dịch bệnh “khi mà bệnh bắt đầu tăng nhanh tại các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn. Như chúng tôi đã làm rõ ngay từ đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các nước thực thi gói các biện pháp toàn diện nhằm phát hiện, cách ly, xét nghiệm và điều trị mọi trường hợp cũng như truy dấu mọi mối tiếp xúc.”

Theo ông Tedros, WHO sẽ “tiếp tục phối hợp với các quốc gia và đối tác để cho phép hoạt động đi lại thiết yếu, cần thiết cho công tác ứng phó với đại dịch, cứu trợ nhân đạo và vận chuyển hàng hóa, cũng như để các nước có thể dần nối lại hoạt động đi lại thông thường của hành khách.

Tổng giám đốc WHO cũng cho biết Ủy ban Khẩn cấp sẽ được tái triệu tập trong vòng ba tháng. Cuộc họp thứ ba của Ủy ban Khẩn cấp liên quan tới đại dịch COVID-19 được tổ chức hôm 30/4.

Ngoài ra, trong khuyến cáo ngày 1/5, Ủy ban Khẩn cấp WHO kêu gọi tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục phối hợp với WHO và hỗ trợ giới lãnh đạo tổ chức này nhằm đảm bảo các biện pháp ứng phó hiệu quả được kích hoạt trong đại dịch COVID-19 cũng như chuẩn bị cho sự bùng phát các dịch bệnh khác.

Nguồn: