Covid-19 là thảm họa với con người, tuy nhiên với một nhóm động vật thì đây lại là hy vọng lóe lên. Tê tê là một trong những động vật bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới đến mức trở nên nguy cấp. Nhưng trong vài tuần qua, tê tê bị cho là có liên quan đến sự bùng phát ban đầu của Covid-19 ở Trung Quốc. Bằng chứng tuy không thuyết phục nhưng đã khiến chính phủ Trung Quốc phải hành động. Nếu tiếp theo đây có nhiều hành động chống lại buôn bán động vật hoang dã thì đại dịch này có thể là bước ngoặt đối với bảo tồn tê tê.
Mối liên hệ giữa tê tê và Covid-19
Tê tê trông giống như thú ăn kiến có vảy. Chúng ăn côn trùng như kiến và mối, thường sống về đêm và nhút nhát. Có tám loài tê tê: 4 ở châu Phi và 4 ở châu Á. Tất cả đều có nguy cơ tuyệt chủng, theo IUCN.
Tê tê bị săn bắt và buôn bán bất hợp pháp vì hai lý do chính. Đầu tiên, thịt của chúng được coi là đặc sản ở một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Thứ hai, vảy của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Kết quả là chúng là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.
Ý tưởng rằng tê tê đã gây ra Covid-19 được đưa ra tại một cuộc họp báo của Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc tại Quảng Châu vào ngày 7/2. Hai nhà khoa học Yongyi Shen và Lihua Xiao đã so sánh virus corona ở tê tê với ở người bị nhiễm bệnh và các trình tự gen của virus giống nhau đến 99%. Đồng tác giả Wu Chen thuộc vườn thú Quảng Châu trước đây đã chứng minh rằng tê tê Java mang virus corona.
Tuy nhiên, kết quả đã không được công bố ở giai đoạn đó, vì vậy các nhà khoa học khác không thể kiểm tra chi tiết. Trong khi đó, có nhiều khả năng khác. Virus có thể đến từ một chợ bán động vật và hải sản ở Vũ Hán – nơi có nhốt rất nhiều loài. Động vật trong các chợ như vậy thường bị nhồi nhét trong những nơi mất vệ sinh và tiếp xúc gần với nhiều người: một cơ hội hoàn hảo cho một loại virus để nhảy sang loài khác. Nhiều người chĩa mũi dùi vào con dơi: virus corona tương tự về mặt di truyền với vius ở loài dơi và đây cũng không phải là lần đầu tiên một căn bệnh truyền từ dơi sang người. Cũng có một nghiên cứu liên kết virus với một loại được tìm thấy ở rắn nhưng điều này hiện được coi là không thể.
Câu chuyện đã bị bóp méo. Ngày 20/2, các nhà nghiên cứu đăng bản sơ bộ của nghiên cứu lên trang web bioRxiv. Các kết luận hoàn toàn khác với những gì được mô tả tại cuộc họp báo. Mặc dù virus ở tê tê “có liên quan về mặt di truyền” với người nhiễm bệnh nhưng “không có khả năng liên quan trực tiếp đến sự bùng phát vì trình tự khác biệt đáng kể”. Sự giống nhau 99% chỉ ở một vùng trong bộ gen, còn xét trên toàn bộ bộ gen thì con số này chỉ là 90,3%. Đã có “hiểu lầm tệ hại giữa nhóm tin sinh học và nhóm phòng thí nghiệm của nghiên cứu”.
Ngày 17/3, nhóm nghiên cứu do Kristian Andersen thuộc Scripps Research, California, Mỹ làm trưởng nhóm đã công bố một phân tích chi tiết về có nguồn gốc có thể của virus trên tạp chí Nature Medicine, nhóm nhấn mạnh rằng nguồn có khả năng nhất là dơi, giống như hai đợt bùng phát coronavirus khác trong những năm gần đây: Sars và Mers. Dơi được biết là ổ chứa virus corona, hơn nữa dơi lá mũi có mang virus RaTG13 với bộ gen giống Sars-CoV-2 tới 96%.
“Khá rõ rằng dơi đóng vai trò là nguồn dự trữ cho virus”, theo Andersen.
Câu hỏi chính là làm thế nào virus có được một số chuỗi nhất định trong bộ gen để liên kết mạnh mẽ với các tế bào của con người và qua đó lây nhiễm cho người. Virus ở dơi không có các chuỗi này.
Một khả năng là virus dơi đã nhảy sang người vài tháng trước khi dịch bệnh được phát hiện. Những virus ban đầu này sẽ không đến mức đặc biệt nguy hiểm hoặc siêu lây nhiễm nhưng có thể biến đổi và tiến hóa để thu được các chuỗi di truyền quan trọng nhằm tăng khả năng lây nhiễm.
Khả năng khác là có một vật chủ trung gian. Mặc dù về tổng thể virus ở tê tê ít giống với Sars-CoV-2 hơn ở dơi, bộ gen của virus ở tê tê có các chuỗi ràng buộc quan trọng. Đây là những gì nhóm của Shen, Xiao phát hiện ra và hiện tại có thêm một nghiên cứu sâu hơn từ một nhóm nghiên cứu Trung Quốc khác củng cố thêm cho các phát hiện này.
Hơn nữa, một nghiên cứu được công bố ngày 26/3 trên tạp chí Nature phát hiện virus có liên quan mật thiết đến Sars-CoV-2 trong tê tê bị buôn lậu vào Trung Quốc. Những virus này có chuỗi ràng buộc tương tự như virus ở người.
“Điểm thực sự quan trọng là các chuỗi giống hệt nhau. Mặc dù virus ở dơi nói chung giống hơn nhưng ở những chỗ thực sự quan trọng thì lại khá khác biệt”, Andersen nhận xét.
Điều này cho thấy virus ở dơi và ở tê tê gặp nhau – có lẽ ở cùng một vật chủ – và trao đổi gen. Một số virus dơi có được các chuỗi liên kết chính từ virus tê tê, cho phép chúng lây nhiễm sang người thành một đại dịch. “Các loại virus này thường xuyên tái tổ hợp. Chỉ là suy đoán nhưng rất có khả năng đó là cách mà chúng ta gặp phả loại virus mới này”, theo Andersen.
Một câu chuyện tương tự diễn ra trước khi dịch Sars bùng phát năm 2002-2004. Nguồn gốc của virus là dơi hoang dã và tới năm 2017 thì các nhà nghiên cứu đã xác định được một hang động ở Trung Quốc có những con dơi mang virus gần giống với Sars. Tuy nhiên, virus có lẽ đã được truyền sang người thông qua cầy hương, vì thế Trung Quốc áp đặt lệnh cấm tạm thời bán cầy hương. Dịch Mers bùng phát gần đây có lẽ là lây từ dơi sang người thông qua lạc đà.
Tuy nhiên, Andersen cho rằng chúng ta chưa thể chắc chắn kịch bản nào là đúng. Ngay cả khi có vật chủ trung gian thì cũng có thể không phải là tê tê.
“Chúng ta không thể kết luận nếu tê tê thực sự là vật chủ trung gian”, nhà virus học Arinjay Banerjee thuộc Đại học McMaster ở Hamilton, Canada tán đồng.
Dừng buôn bán động vật hoang dã?
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã hành động không dứt khoát. Ngày 24/2, Trung Quốc tuyên bố cấm ngay lập tức giao dịch và tiêu thụ nhiều loại động vật hoang dã, bao gồm cả tê tê. Các quan chức đóng cửa toàn bộ các chợ động vật hoang dã.
Đây là bước mới nhất trong chuỗi các bước phải thực hiện để giảm buôn bán tê tê. Trở lại năm 2016, thương mại quốc tế về tê tê đã bị 183 quốc gia ký kết Công ước CITES cấm hoàn toàn. Cả 8 loài tê tê được đưa vào Phụ lục I của Công ước, và nhận được sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất.
Tuy nhiên, cho đến nay điều này dường như không khiến số lượng tê tê bị giao dịch sụt giảm, theo giám đốc Traffic Trung Quốc Xu Ling. Giao dịch vẫn tiếp tục nhưng bản chất của các lô hàng đã thay đổi: “Trước năm 2016, chúng ta vẫn phát hiện xác tê tê đông lạnh, thịt được buôn lậu từ các nước Đông Nam Á đến Trung Quốc”. Ngày nay, hầu hết các lô hàng toàn là vảy tê tê và có nguồn gốc từ châu Phi, sau khi được vận chuyển bất hợp pháp qua ngả Nigeria.
Gần đây hơn, tháng 8/2019, Bảo hiểm nhà nước Trung Quốc tuyên bố từ tháng 1/2020 sẽ ngừng chi trả cho các loại thuốc làm từ vảy tê tê.
Theo Xu Ling, về lâu dài, việc không được chi trả bảo hiểm có thể làm suy yếu thị trường vảy. Tuy nhiên, “ngay cả khi không có lệnh cấm này, việc tiêu thụ thịt tê tê đã bị cấm ở Trung Quốc” vì tê tê được bảo vệ. Điều này được phản ánh qua tình trạng chuyển sang nhập khẩu vảy và các thương nhân thường tìm cách chạy chứng nhận vảy có nguồn gốc hợp pháp.
Câu hỏi về việc liệu tê tê liên quan gì đến Covid-19 sẽ không được trả lời sớm mà cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm nhưng nó rất quan trọng để chấm dứt nạn buôn bán tê tê mà muốn làm được vậy đòi hỏi hai điều: Đầu tiên là thực thi nghiêm ngặt luật lệ, điều mà Trung Quốc dường như muốn làm là đẩy mạnh thực thi ngay cả trước khi dịch bùng phát. Thứ hai là mọi người ngừng mua các sản phẩm từ tê tê. Nếu không có nhu cầu, buôn lậu sẽ không còn lợi lộc gì, và các nhà cung cấp sẽ từ bỏ.
Theo chuyên gia Li Yuhan thuộc Đại học Oxford, các tổ chức bảo tồn Trung Quốc đã đưa ra một bảng câu hỏi trên truyền thông xã hội để xem thái độ của người dân thay đổi như thế nào. Hơn 100.000 người đã trả lời và hơn 90% ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn buôn bán động vật hoang dã, bất kể mục đích làm gì.
Nhận thức rõ rằng thị trường động vật hoang dã tạo cơ hội cho bệnh tật lây lan sang người sẽ thúc đẩy hành động nên ngay khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm, WWF đã gọi đây là “bước đi kịp thời, cần thiết và quan trọng” không chỉ để bảo vệ động vật hoang dã mà còn cho sức khỏe con người. “Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này phải trở thành lời cảnh tỉnh để chấm dứt việc sử dụng không bền vững các loài động vật nguy cấp và các bộ phận của chúng, cho dù là để làm cảnh, để ăn hoặc làm thuốc”.
Trong kịch bản tốt đẹp nhất, không chỉ tê tê có lợi. Giảm buôn lậu động vật hoang dã sẽ giúp cho nhiều loài và bảo vệ tất cả chúng ta khỏi đại dịch trong tương lai.
Thế Anh (Theo Guardian)