Sự bùng phát virus corona ở Pháp không phải do ca bệnh từ Trung Quốc, mà do một chủng virus không rõ nguồn gốc đã lây lan trong nước, theo một nghiên cứu của Viện Pasteur Paris.
Phân tích di truyền cho thấy các chủng virus nổi bật nhất trong các ca bệnh ở Paris đều thuộc một nhánh virus không phải đến từ Trung Quốc hay Italy – điểm nóng đầu tiên tại châu Âu, theo South China Morning Post.
“Sự bùng phát ở Pháp xuất phát từ các ‘mầm mống’ do một hoặc vài chủng thuộc cùng nhóm virus… chúng tôi có thể suy luận rằng virus đã âm thầm phát tán ở Pháp từ tháng 2”, các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu chưa được bình duyệt đăng trên bioRxiv.org tuần trước.
Đến nay, Pháp đã có 128.000 ca nhiễm và 23.000 ca tử vong.
Pháp phát hiện ca nhiễm cuối tháng 1, trước các nước khác ở châu Âu, nhưng sau đó kiềm chế được nhờ truy vết tiếp xúc nhanh chóng. Tuy nhiên, chủng virus ở các bệnh nhân ở đợt lây nhiễm đầu tiên không giống với chủng virus ở các bệnh nhân sau đó.
Điều đó cho thấy “biện pháp cách ly thực hiện đối với các ca Covid-19 đầu tiên ở Pháp dường như đã ngăn chặn được lây lan”, các nhà khoa học cho biết.
Viện Pasteur thu thập mẫu bệnh từ hơn 90 bệnh nhân khác trên khắp nước Pháp và phát hiện các chủng virus đều có chung đường dây di truyền. Nhóm virus này khác biệt và cho đến nay mới chỉ được tìm thấy ở châu Âu và châu Mỹ.
Ca bệnh sớm nhất mang chủng virus từ nhánh chính của Pháp được thu thập mẫu vào ngày 19/2, trên một người trước đó không ra nước ngoài và dường như không có lịch sử tiếp xúc với người đã ra nước ngoài. Họ phát hiện
Nhóm nghiên cứu còn ngạc nhiên vì một số mẫu virus được thu thập sau lại “già” hơn về mặt di truyền, tức gần “tổ tiên” hơn.
Một lý giải có thể cho điều này, theo họ, là sự lây lan trong cộng đồng đã diễn ra ở Pháp trong một thời gian dài mà giới chức y tế không biết đến. Những bệnh nhân ban đầu có thể có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra ba mẫu từ Algeria khá tương đồng với mẫu ở Pháp, cho thấy người từ Pháp có thể đã làm lây lan virus ở Algeria.
Benjamin Neuman, giáo sư, trưởng khoa sinh học tại Đại học Texas A&M – Texarkana nói các chủng ở Pháp có thể đến từ Bỉ. Bỉ là nơi có mẫu virus gần giống nhất so với chủng virus được ghi nhận ở Trung Quốc.
Như vậy, Pháp là nước mới nhất trong danh sách ngày càng dài các nước và khu vực mà không thể tìm ra liên hệ trực tiếp giữa dịch bệnh tại đó và dịch bệnh tại Trung Quốc.
Chẳng hạn, các chủng phổ biến ở Nga và Australia lần lượt đến từ châu Âu và Mỹ, theo một số nghiên cứu.
Nhưng các phát hiện này lại khiến một số chính trị gia phản đối. Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang muốn chuyển hướng chú ý về phía Trung Quốc, công kích tờ New York Times vì đưa tin virus tại Mỹ có thể đã đến từ châu Âu, thay vì Trung Quốc.
Một số nhà khoa học hàng đầu, bao gồm Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nói virus có thể đã lây lan âm thầm trên người trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, mà không làm bùng phát dịch bệnh ở mức độ có thể phát hiện ra, theo South China Morning Post.
Theo họ, virus đã kịp thích nghi tốt với cơ thể người. Một số gen trên virus điều tiết việc “bám” vào tế bào cơ thể người được cho là tương tự, thậm chí y hệt một số gen trên các virus lây lan mạnh khác như HIV hay Ebola.
Theo một số ước tính, “tổ tiên” của SARS-CoV-2, virus đang gây đại dịch Covid-19, có thể đã rời loài dơi từ 50-70 năm trước. Một nghiên cứu của Đại học Oxford ước tính đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch lần này có thể đã diễn ra từ tháng 9/2019.
Họ phát hiện các chủng phổ biến lây lan ở Trung Quốc và châu Á “trẻ” hơn về mặt di truyền so với các chủng phổ biến ở Mỹ.