Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước là trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới để phê chuẩn hai Hiệp định trên.
Chiều 28/4, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với tinh thần tập trung, trách nhiệm, quyết tâm, trong 6 ngày làm việc, các nội dung của Phiên họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, xem xét thận trọng trước khi quyết định để các cơ quan có căn cứ tiếp thu kịp thời.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát những nội dung đã có ý kiến thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này để phối hợp đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện các báo cáo, tờ trình.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt, đoàn kết, đồng lòng, chung sức của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đến thời điểm hiện nay, giai đoạn nguy hiểm nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đất nước đã qua.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là để tránh tái lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; cần tiếp tục thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 là 17,5 ngày. Trong đó, đợt 1 (họp trực tuyến) tiến hành 8,5 ngày bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc Kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5; đợt hai tiến hành 9 ngày, bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Kỳ họp thứ 9 làm hai lần. Một nửa thời gian sẽ được tổ chức họp trực tuyến, còn lại sẽ được tổ chức họp tập trung tại hội trường nếu tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tốt dần lên như hiện nay.
Trong trường hợp nếu tình hình dịch bệnh lây lan thì Kỳ họp thứ 9 sẽ được tổ chức họp trực tuyến suốt kỳ họp (đây là phương án hai). Trong họp trực tuyến, các đại biểu công tác ở các cơ quan Trung ương nhưng ứng cử ở các địa phương họp tại Hội trường của Quốc hội. Đại biểu Hà Nội vẫn họp tại Hà Nội để đảm bảo giãn cách.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nỗ lực, chủ động hơn nữa để triển khai nhiệm vụ; nới lỏng giãn cách nhưng không nới lỏng công việc để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 sắp tới của Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực, chủ động để phối hợp chuẩn bị phục vụ cho Kỳ họp rất đặc biệt kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên – đó là kỳ họp của Quốc hội được tổ chức trực tuyến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngày 6/5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ tổ chức phiên họp thường kỳ để rà soát lại việc chuẩn bị nội dung trình ra Quốc hội.
* Sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA
Trước đó, chiều cùng ngày, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước là trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới để phê chuẩn hai Hiệp định trên.
Theo đó, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, gồm các quy định về bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư và những vấn đề cụ thể có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các đánh giá tác động của hai hiệp định đối với Việt Nam như trong Báo cáo đánh giá và Thuyết minh đã được đại diện các cơ quan hữu quan trình bày tại phiên họp. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần đánh giá kỹ thêm về tác động sau đại dịch COVID-19, nhất là sau khi Vương quốc Anh rời EU; đánh giá kỹ các thách thức mới, đặc biệt sau khi hai Hiệp định có hiệu lực, cập nhật thêm những thách thức và cơ hội cạnh tranh…
Ủy ban Thường vụ cũng nhất trí về thời hiệu như Tờ trình của Chủ tịch nước; nhất trí không bảo lưu điều khoản nào trong hai Hiệp định; nhất trí cho áp dụng toàn bộ hai Hiệp định ký kết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cùng với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan để hoàn thiện một bước khi hai Hiệp định có hiệu lực, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng Hiến pháp. Các nội dung cần thiết sẽ được tiếp tục bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Về thực thi quyền phán quyết chung thẩm khi có tranh chấp về bảo hộ đầu tư là vấn đề mới chưa có trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có nghị quyết riêng. Nghị quyết này khi công bố có hiệu lực trong vòng 5 năm kèm theo hiệp định, có hiệu lực như luật để điều chỉnh quan hệ mới này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị có Tờ trình riêng; đề nghị Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Pháp luật… thẩm tra. Dự thảo nghị quyết này sẽ được trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 5 tới.