Thực tiễn đổi mới đang cung cấp nhiều tư liệu để điều chỉnh một số nhận thức, cách làm về nông dân, nông nghiệp và nông thôn hiện nay.
Giai cấp nông dân thường được nhìn nhận là giai cấp thiếu tính chủ động, luôn “đi dưới lá cờ của người khác”. Nhưng thực tế còn cung cấp cho chúng ta thêm những tư liệu khác: trong những điều kiện cụ thể, nhất là khi “phải tự cứu mình”, nông dân Việt Nam vẫn có nhiều sáng tạo để vượt hoàn cảnh.
Trong những năm 70 đầu 80 của thế kỷ XX, nông dân ở nhiều địa phương đã là người đầu tiên “xé rào”, “khoán chui”. Về sau này, những hành động ấy được nhìn nhận là tiên phong cho Đổi mới. Nông dân Việt Nam không phải là giai cấp thụ động!
Nông dân không thể “tự giải phóng” là đúng, nhưng quan niệm rằng họ cũng không thể tự giải quyết vấn đề của mình, không thể “tự cứu mình” thì cũng cần được xem lại.
Nhìn từ thực tế đổi mới, nông dân bắt đầu từ “khoán chui”, sau đó một thời gian là “dồn điền, đổi thửa” bây giờ là “dịch chuyển cơ cấu” và họ còn có thể có thêm nhiều sáng kiến có tính chất gợi ý cho nhiều chủ trương mới nữa. Điều đó có nghĩa là: nông dân nước ta hiện nay vẫn có tính chủ động ở mức độ nhất định.
Tất cả có một điểm chung là nếu tạo ra điều kiện “để nông dân suy nghĩ trên luống cày của mình” (Lê- nin) thì những cơ hội cho sáng kiến sẽ nhiều hơn. Điều kiện ấy chính là xác nhận “vai trò chủ thể trong phát triển của nông dân”.
Tính chất tư hữu, sản xuất nhỏ của nông dân đôi khi còn được xem xét một chiều, giáo điều. Chẳng hạn nhận thức một thời về “cái đại dương mênh mông sản xuất nhỏ hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” đã làm nản lòng nhiều người khi tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp.
Thực tế của hơn 30 năm đổi mới vừa qua xác nhận rằng, kinh tế tư nhân, sở hữu tư hữu là do sự quy định của trình độ của sức sản xuất chứ không phải do nông dân muốn như vậy.
Thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nông hộ của đa số nông dân hiện nay đã được nhìn nhận là bộ phận “có vai trò quan trọng của kinh tế xã hội chủ nghĩa” chứ không phải là yếu tố chống phá, phủ định chủ nghĩa xã hội.
Nếu đặt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu nhỏ của người nông dân vẫn đang còn những vai trò, tác dụng tích cực. Nó đang góp phần quan trọng, theo cách của mình, cho sự phát triển của kinh tế nông nghiệp; nó góp phần cho sự ổn định của xã hội bằng cách tạo ra việc làm thu nhập, theo những quy mô khác nhau, cho khoảng 28 triệu lao động.
Sản xuất nhỏ, sở hữu nhỏ, biểu hiện lạc hậu về trình độ của phát triển sản xuất của nông dân trước đây, đôi khi chỉ được nhìn theo cách tĩnh tại và phiến diện, thậm chí chỉ thấy mặt tiêu cực là “tự phát đi lên chủ nghĩa tư bản” hoặc không phù hợp với chủ nghĩa xã hội.
Trong một thế giới chuyển biến rất nhanh hiện nay, sở hữu lớn, quy mô lớn của một doanh nghiệp hay tập đoàn tương đối khó chuyển hướng sản xuất kinh doanh. Chúng vận động chậm chạp như những con “khủng long” vì quá nặng nề, to lớn.
Tính linh hoạt của quy mô sản xuất nhỏ là một lợi thế cần được nhìn nhận trong kinh tế thị trường khi cần chuyển hướng sản xuất kinh doanh.
“Nhỏ là đẹp” – hiện có một triết lý kinh doanh như vậy. Nó không cần nhiều lắm những điều kiện, mà chỉ cần cơ hội; và khi nắm bắt được nhu cầu của thị trường thì nó chuyển hướng rất nhanh.
Nông dân Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển được trong cơ chế thị trường, dù ai đó có than phiền “nay trồng, mai chặt” thì họ vẫn tự xoay sở được, thâm canh được trên “mảnh đất của mình” và tiếp tục tìm kiếm cơ hội.
Dĩ nhiên, ai cũng muốn phát triển bền vững và tăng dần quy mô, trình độ kinh doanh cho các hộ nông dân. Nhưng thực tế của kinh tế thị trường cũng xác nhận tính linh hoạt, khả năng ứng phó của họ. Tất cả vẫn trên “mảnh đất nhỏ” ấy của nông dân
Giải quyết những vấn đề của nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam dường như đang có biểu hiện bị tách rời với quá trình hiện đại hóa. Nhiều nghịch lý, nghịch cảnh đã diễn ra từ những sự tách rời ấy.
Nông dân mà không còn “yêu đất”, họ “bỏ ruộng” vì tư liệu sản xuất manh mún không đủ nuôi người. Khoán hộ là một phương thức quản lý mới, nhưng nó chỉ xóa đói giảm nghèo, chứ không thể tiến lên làm giàu được, vì nó mở rộng nhiều quyền cho nông dân, nhưng không tăng thêm được quy mô ruộng đất cho họ.
Nông dân sẵn sàng từ bỏ nông nghiệp, nông thôn để lên thành thị kiếm việc vì thu nhập khá hơn, ổn định hơn. Khó có thể phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững nếu chỉ dựa trên hiện trạng gần 10 triệu hộ nông dân với 76 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Tích tụ ruộng đất là yêu cầu tự nhiên của nông nghiệp hiện đại.
Nông dân là một trong những người đi đầu trong tìm cách để đổi mới, có nhiều đóng góp quan trọng cho đổi mới, nhưng khi so sánh với các giai tầng và lĩnh vực kinh tế khác, nông dân được thụ hưởng chưa tương xứng nếu không nói là ít nhất thành quả từ đổi mới.
Việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội bất cập nhất là ở nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Đóng góp và thụ hưởng chưa cân đối.
Mặc dù nông nghiệp cung cấp sinh kế cho 9,53 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% số dân (khoảng 60 triệu người) giải quyết gần 50% lao động, hàng năm đóng góp 18 – 22% GDP cho nền kinh tế và 23 – 35% giá trị xuất khẩu và 10 năm gần đây nhất luôn có thặng dư xuất khẩu (xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, hiện cao hơn xuất khẩu dầu khí 7 lần); nhưng nông nghiệp được đầu tư ít nhất (hiện chỉ chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, hoặc 14% ngân sách nhà nước), CNH, HĐH trong nông nghiệp lại chậm nhất.
Nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế xã hội cần công nghiệp hóa nhất nhưng các tỷ lệ công nghiệp hóa đều thấp nhất.
Điển hình là mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam, hiện nay trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha).
Công nghiệp hóa đã một thời chỉ diễn ra với máy cày, phân hóa học, giống mới… mà cái cần nhất lại là nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn!
Hiện nó là thị trường trong nước lớn nhất với khá nhiều tiềm năng, nhưng đến nay (2020) chỉ có 7.000 doanh nghiệp làm nông nghiệp/ 750.000 doanh nghiệp cả nước, với tỷ lệ gần 10%; Dư địa và nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ lớn nhất, nhưng hiện nay việc áp dụng KH&CN các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế trong nông nghiệp là lĩnh vực thấp nhất, với chỉ 5% doanh nghiệp nông nghiệp được chứng nhận VietGAP và tương đương.
“Đô thị hóa” cũng dường như tách rời với hiện đại hóa. Nó dường như mới chỉ diễn ra ở những ngôi nhà của nông thôn, mà lẽ ra phải là điều kiện sống và lối sống.
Nhà thơ Bút Tre từng viết: “Mái bằng mái bằng lại mái bằng/Tôi đi như cá lạc trong đăng/Mười năm trở lại làng quê cũ/Cả làng là một cục xi măng”!
Gần đây, xây dựng nông thôn mới cũng mới chỉ bước đầu giải quyết được hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm chứ chưa làm chuyển biến được chất lượng nguồn nhân lực, là cái cần nhất nơi đây.
Hiện nay cũng vẫn còn nếp tư duy là những gì bất cập, tiêu cực trong đời sống là người gán luôn cho nó tính từ “nông dân” hoặc “kiểu nông dân” mà không phân định rõ:
Đó là tình cảm yêu quý tư liệu sản xuất của người nông dân vốn sống bằng lao động của mình hay sự quyến luyến với sở hữu nhỏ? Là tính độc lập, tự chủ về kinh tế hay chủ nghĩa cá nhân? Là tinh thần thực tế hay chủ nghĩa kinh nghiệm?
Là biểu hiện của cuộc sống giản dị hay là biểu hiện của thiếu khát vọng phát triển? Là tình cảm ruột thịt quê hương hay tính làng xã, dòng tộc?… Phương thức sản xuất nhỏ đã bị thời đại vượt qua, nhưng những kinh nghiệm, những “tri thức bản địa” của nông dân (theo cách diễn đạt của UNDP) không hoàn toàn bị bỏ qua.
Tiếp tục đổi mới tư duy là một động lực từ bên trong để thúc đẩy sự phát triển, không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
PGS.TS Nguyễn An Ninh