Các hoạt động của Trung Quốc dọc theo thượng nguồn sông Mê Kông vốn gây tranh cãi từ lâu – nhưng một nghiên cứu gần đây về các hoạt động xây dựng đập rầm rộ đã cảnh báo nguy cơ phá hoại hàng triệu sinh kế ở hạ lưu.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Ngay cả hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây cạn khô là hồ Kênh Lấp trữ một triệu m3 nước ngọt cũng cạn trơ đáy khiến hơn 11.000 hộ dân tại Ba Tri thiếu nước sinh hoạt. |
Một nghiên cứu của công ty nghiên cứu và tư vấn, Eyes on Earth do chính phủ Mỹ tài trợ, đã phát hiện ra rằng các đập của Trung Quốc đang tích trữ một lượng lớn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Chính điều đó đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu năm ngoái. Trung Quốc bác bỏ báo cáo khoa học trên và nói nó là vô căn cứ.
Sông Mê Kông dài 4.350 km (2.700 dặm) chảy qua sáu quốc gia. Bắt đầu từ Trung Quốc – nơi được gọi là sông Lancang (Lan Thương) – nó chảy qua các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar, trước khi đổ ra Biển Đông với cửa sông thuộc Việt Nam.
Con sông là huyết mạch của các quốc gia Đông Nam Á và là nguồn mưu sinh của gần 200 triệu người ở đó, những người phụ thuộc phần lớn vào trồng trọt và đánh cá.
Trung Quốc đã xây dựng con đập đầu tiên trên thượng nguồn sông Mê Kông vào những năm 1990 và hiện đang hoạt động 11 con đập dọc theo sông. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng nhiều đập, được sử dụng để cho thủy điện.
Theo nghiên cứu của Eyes on Earth, những con đập này đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, dẫn đến việc hạ lưu sông Mê Kông ở một số nơi trong suốt cả năm có mực nước sông thấp nhất từ trước đến nay. Báo cáo cũng được công bố bởi Đối tác cơ sở hạ tầng bền vững do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông – một quan hệ đối tác đa quốc gia của Mỹ với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Theo nghiên cứu của hai chuyên gia Alan Basist và Claude Williams, sử dụng dữ liệu từ năm 1992 đến 2019, các phép đo vệ tinh về độ ẩm bề mặt của Google ở tỉnh Vân Nam cho thấy khu vực này thực tế có lượng mưa và tuyết kết hợp trên trung bình từ tháng 5 đến tháng 10.2019. Thế nhưng, mực nước đo ở hạ lưu dọc biên giới Thái Lan-Lào có lúc thấp hơn mức đáng ra phải có.
Điều này chỉ ra rằng Trung Quốc đang đóng đập trữ nước trong khi các nước hạ lưu sông Mê Kông trải qua hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo và nghề cá, đe dọa an ninh lương thực cả khu vực.
Thiệt hại không thể đảo ngược được đối với hệ sinh thái
Theo Viện Nghiên cứu Stimson Center có trụ sở tại Washington, chính sách quản lý đập của Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường và tác động tiêu cực đến mực nước. Theo một báo cáo ngày 13.4, các vụ xả đập bất ngờ cũng gây ra lũ tàn hại ở hạ lưu.
Trong khi Trung Quốc là đối tượng của Nghiên cứu về Trái đất, các bên liên quan thừa nhận rằng tất cả các con đập – hơn một trăm đập hoạt động dọc sông Mê Kông – sẽ tác động đến dòng sông theo kiểu tích tiểu thành đại.
Tất nhiên, không phải tất cả các đập thuộc về Trung Quốc nhưng là quốc gia đầu tiên trên thượng nguồn, đập của Trung Quốc trở thành là mối quan tâm chính trị chiến lược vì các nước ở hạ nguồn ngày càng trở nên khó chịu với Bắc Kinh chuyện nguồn nước.
Pianyh Deetes, đại diện của Thái Lan tại International Rivers, một tổ chức phi chính phủ về sông ngòi trên cho biết: Người dân sống dọc theo dòng sông đã ghi nhận biến động mực nước bất thường với việc xây dựng các đập mới. Bà Pianyh nói thêm: một số người đã chứng kiến hạn hán bất thường rồi mực nước tăng đột ngột.
“Các hoạt động bất thường đã phá hủy hệ thống tự nhiên của sông Mê Kông. Nó hủy hoại sinh kế của những người phụ thuộc vào hệ sinh thái, gồm cả hệ động thực vật trên lưu vực dòng sông”.
Nghiên cứu từ Stimson Center cũng chỉ ra kết luận tương tự
Theo nghiên cứu, ngư dân ở Hồ Tonle Sap – vựa cá chính ở Campuchia – thống kê sản lượng đánh bắt cá thấp hơn 80-90% so với thông thường. Tác giả của báo cáo, Brian Eyler và Courtney Weatherby cho biết hiện giờ một số khu vực đông dân cư của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long đã mất khả năng tiếp cận với nước ngọt.
Pianyh kêu gọi minh bạch dữ liệu và thông tin từ cả Trung Quốc và các nước hạ nguồn khác, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách xem sông Mê Kông là hệ thống của khu vực và là nguồn tài nguyên chung. Nhiều người khác đã nhấn mạnh các mối đe dọa môi trường của nhiều đập dọc sông Mê Kông.
Trong một báo cáo tháng 2, quỹ Fitch Solutions viết: “Chúng tôi tin rằng mối đe dọa đối với an ninh lương thực từ thiệt hại này sẽ gây áp lực nhanh chóng đối với các nước ở hạ lưu sông Mê Kông. Sự phá hủy hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong hoạt động kinh tế dọc theo bờ sông: từ lĩnh nông nghiệp rồi tới các dịch vụ sản xuất và thậm chí là hoạt động du lịch… Kết quả là các nước ở hạ nguồn sau đó sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Trung Quốc phủ nhận kết quả báo cáo
Bắc Kinh đã bác bỏ báo cáo đổ lỗi cho Trung Quốc làm trầm trọng thêm một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất Đông Nam Á. Trả lời CNBC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, lượng mưa giảm, gió mùa bất thường, kết hợp với hiện tượng El Nino cực đoan là nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Bắc Kinh chỉ ra những phát hiện khoa học từ Ủy ban sông Mê Kông cho thấy có hạn hán lan rộng trên hầu hết các khu vực xung quanh toàn bộ dòng sông.
Tuyên bố cũng nhắc tới lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết vào tháng 2 rằng sẽ hợp tác với các nước hạ lưu sông Mê Kông để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã gọi báo cáo là không có căn cứ và nói rằng nó phản ánh trái ngược với sự thật. Ông Cảnh Sảng nói: “Dòng chảy từ Lancang (tên sông Mê Kông trên phần đất Trung Quốc) có tác động rất hạn chế đến khối lượng chung của sông Mê Kông vì dòng chảy ở vùng hạ lưu chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và đóng góp từ các nhánh sông. Do vậy, không có lý do nào để biện minh cho tuyên bố rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về hạn hán ở các nước hạ lưu”.
Hồi đầu tháng này, Ủy ban sông Mê Kông – một cơ quan liên chính phủ bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – cho rằng cần bằng chứng khoa học hơn để kết luận hạn hán năm 2019 phần lớn là do việc lưu trữ nước ở các đập thuộc thượng lưu sông Mê Kông. Uỷ ban cũng kêu gọi chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các nước liên quan, gồm cả Trung Quốc.
Kế hoạch lớn cho dòng sông
Chuyển đổi mang màu sắc kinh tế của dòng sông sẽ thay đổi quan hệ quyền lực xung quanh sông Mê Kông. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại về báo cáo của Eyes on Earth. Trước đó, ông đã hoài nghi trước việc các nước hạ lưu sông Mê Kông đổ lỗi hạn hán là do Trung Quốc cắt nước ở thượng nguồn.
Fitch Solutions còn cho biết Trung Quốc có kế hoạch lớn để điều chỉnh chính sách với sông Mê Kông, đó là mở một lối đi cho hàng hóa khổng lồ. Theo đó, lối đường thuỷ đó từ tỉnh Vân Nam qua các nước sông Mê Kông và vào Biển Đông – có thể phục vụ cho tàu bè chở hàng hoá lớn và thậm chí là tàu quân sự.
Fitch Solutions lưu ý: Trung Quốc cũng có kế hoạch dài hạn để thiết lập các khu kinh tế trên cả hai bờ sông Mê Kông gồm các khu dân cư, cảng và đường sắt và đường bộ. Ưu điểm là điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia Mê Kông và biến Tam giác vàng – nơi gặp gỡ giữa Lào, Myanmar và Thái Lan – thành đầu mối thương mại rất hiệu quả.
Nhưng các nhà nghiên cứu tại Stimson Center đưa ra một lý do nghiêng về hướng Trung Quốc có thể kìm hãm tài nguyên nước. Các tác giả của báo cáo cho biết, đối với Bắc Kinh, nước được coi là một mặt hàng có chủ quyền hơn là một nguồn tài nguyên được chia sẻ theo cách công bằng cho hạ nguồn. Họ tin rằng: Điều này cho phép Trung Quốc thiết lập luật chơi với các khu vực chịu hạn hán và có thêm quân bài trong cuộc chơi hợp tác kinh tế với hạ nguồn thông qua Cơ chế hợp tác Lancang-Mê Kông.
Anh Tú (Theo CNBC)