Nhóm thợ săn virus cho biết cơ thể dơi chứa tới 15.000 loại virus, và tính đến hiện tại, chỉ có vài trăm chủng được phát hiện.
Trước khi tiến vào cửa hang tịch mịch nằm trong hệ thống hang động rộng lớn tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), một nhóm các nhà khoa học mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay dày bịt kín cơ thể. Nếu như tiếp xúc với dịch cơ thể hay nước tiểu của dơi, họ có thể gặp nguy hiểm trước bất kỳ loại virus lạ nào. Bật đèn pin cá nhân, những nhà khoa học này nhanh tay dựng lưới bắt dơi ngoài cửa hang. Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc hàng nghìn con dơi bay ra tìm kiếm thức ăn.
Nhóm khoa học cẩn thận gỡ những con dơi ra khỏi lưới, cho chúng một liều nhẹ gây mê trước khi lấy mẫu máu từ cánh. “Chúng tôi cũng dùng tăm bông lấy mẫu xét nghiệm từ miệng và phân của chúng”, Peter Daszak – người đứng đầu tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance của Mỹ chuyên phụ trách tìm ra những loại virus mới và dự báo dịch bệnh – trả lời hãng CNN.
Daszak là một thợ săn virus. Trong 10 năm qua, ông đã tới các hang động dơi trên 20 quốc gia để ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch tiếp theo. Cụ thể, trường hợp này là cuộc săn lùng những loại virus corona mới.
Từ những phát hiện của nhóm Daszak, một thư viện mở về các loại virus có trong động vật được hình thành. Từ đây, các nhà khoa học có thể dự đoán chủng virus nào có khả năng lây lan cho con người và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
“Chúng tôi đã thu thập hơn 15.000 mẫu xét nghiệm từ dơi, và kết quả là tìm ra khoảng 500 loại virus corona mới”, ông Daszak tiết lộ. Một trong số đó là virus tìm được trong một hang động ở Trung Quốc vào năm 2013, và có thể là tổ tiên của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 hoành hành hiện nay.
Nghiên cứu về virus corona
Trước đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) 2003, các nghiên cứu về virus corona không mấy được quan tâm. “Nó không phải là một nhánh nghiên cứu trong y khoa thu hút nhiều người”, Wang Linfa – chuyên gia virus giảng dạy tại Đại học Y Duke-NUS (Singapore) từng phát triển công cụ để phân tích các mẫu xét nghiệm do tổ chức EcoHealth Alliance thu thập – cho hay. Trước thời điểm đó, chỉ có duy nhất 2 chủng virus corona lây sang cho con người được nhận dạng và cả hai đều được phát hiện vào những năm 1960.
Năm 2009, dự án Predict hình thành từ sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Năm tổ chức dẫn đầu dự án này là EcoHealth Alliance, Viện nghiên cứu Smithsonian, Tổ chức Xã hội Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã, Đại học California Davis và công ty theo dõi đại dịch Metabiota trụ sở tại California.
Mục tiêu của dự án trên là xác định và ứng phó với các loại virus mới lây lan từ động vật sang người – bao gồm virus corona. Tổng số tiền tài trợ trong suốt 10 năm hoạt động rơi vào khoảng 200 triệu USD.
Kể từ khi thành lập, Predict phát hiện thêm 5 loại virus corona lây lan sang người, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19. Ông Daszak ước tính cơ thể dơi chứa tới 15.000 loại virus, và tính đến hiện tại, mới chỉ có vài trăm chủng được phát hiện.
Tổ chức của Daszak hiện nghiên cứu tập trung tại Tây Nam Trung Quốc, chủ yếu trong hệ thống hang động rộng lớn ở tỉnh Vân Nam – nơi được cho là có số lượng dơi đông đảo.
“Chúng tôi nhắm tới khu vực Trung Quốc vì chúng tôi muốn truy tìm nguồn gốc của SARS. Nhưng khi đến đây, chúng tôi nhận ra còn hàng trăm loại virus corona nguy hiểm khác, nên quyết định dành toàn bộ sự chú ý vào việc tìm ra chúng”, Daszak giải thích. Ngoài Trung Quốc, Predict cũng hoạt động tại 30 quốc gia khác. Một đội thợ săn virus khác từ Viện Nghiên cứu Smithsonian cũng đã bắt đầu thu thập mẫu xét nghiệm từ Myanmar và Kenya.
Lây lan từ dơi sang người
Sau khi phân tích mẫu máu những người sống gần hai hang dơi ở huyện Tấn Ninh (tỉnh Vân Nam) vào năm 2015, nhóm của ông Daszak phát hiện 3% trong số đó có kháng thể đối với các loại virus thường chỉ tìm thấy ở dơi. Điều này có nghĩa là họ đã bị nhiễm virus trước đó. “Họ có thể không biết mình bị nhiễm và đã hồi phục hoặc chỉ một vài tế bào cơ thể bị ảnh hưởng”, Daszak cho hay.
“Vì dơi là động vậy có vú bay được, nên cơ thể chúng lúc nào cũng phải căng ra và chịu sức ép, từ đó dẫn tới một phản ứng miễn dịch. Để giải quyết hiện tượng này, dơi phải làm hệ miễn dịch yếu đi và do đó, chúng dễ bị nhiễm virus hơn đồng thời cũng có khả năng chịu được một lượng lớn virus có trong cơ thể”, Daszak giải thích.
Sau khi thu thập xong mẫu máu và dịch cơ thể của dơi, nhóm của Daszak lưu trữ chúng trong dung dịch nitrogren và gửi đến các phòng thí nghiệm đối tác trên thế giới để phân tích”.
Các chuỗi ADN của virus tìm thấy trong mẫu được so sánh với các dữ liệu dự trữ trong GenBank – một cơ sở dữ liệu truy cập mở được do Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) điều hành. “Một loại virus được coi là mới nếu ADN khác trên 20% so với những chủng virus biết trước đó”, Supaporn Watcharaprueksadee – một chuyên gia nghiên cứu làm cho phòng thí nghiệm liên kết với Đại học Chulalongkorn ở Bangkok – cho hay.
Dự đoán trước đại dịch
Bên cạnh việc tìm hiểu nguồn gốc của các dịch bệnh đang bùng phát như COVID-19 hay Ebola, thợ săn virus cũng giúp dự đoán nơi mà đại dịch sắp tới sẽ xảy ra, kèm theo hy vọng ngăn chặn được nó. Bằng cách chỉ ra địa điểm mà con người có khả năng phơi nhiễm với virus lớn nhất, các nhà khoa học có thể hình thành bản đồ đường đi và giảm thiểu sự lây lan.
“Nhóm các nhà virus học sử dụng các mẫu phẩm thu thập tại hiện trường để xác định loại virus nào có khả năng lây lan sang người nhất và phân loại chúng theo mức độ rủi ro”, Suzan Murray – người dẫn đầu Chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Viện Smithsonian – cho biết.
Kiến thức về virus có thể được sử dụng để phát triển vắc-xin hoặc liệu pháp điều trị ngăn ngừa mầm bệnh mới. “Mẫu máu dơi chứa kháng thể do chúng tạo ra để chống lại virus. Những kháng thể này thể làm cơ sở để phát triển vắc-xin hoặc cách thức điều trị bằng huyết tương”, chuyên gia Wang kết luận.