Theo tờ trình của Bộ Y tế, doanh nghiệp chỉ được xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu. Bộ Công Thương cho rằng tỷ lệ này là quá cao.
Dự thảo tờ trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ của Bộ Y tế đề xuất cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế, nếu đã bán hoặc có văn bản thỏa thuận hỗ trợ cho cơ sở y tế trong nước tối thiểu 20% số lượng dự kiến xuất khẩu.
Góp ý cho dự thảo này, Bộ Công Thương cho rằng, quy định này thực tế có thể khó triển khai, vì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký được hợp đồng bán khẩu trang cho cơ sở y tế trong nước trong thời gian ngắn, chưa kể trường hợp cơ sở y tế không có nhu cầu mua hoặc chỉ có thể mua được số lượng rất nhỏ.
Bên cạnh đó, việc tiến hành đấu thầu hoặc thương lượng đi đến ký hợp đồng cũng không thể hoàn tất trong một thời gian ngắn.
“Do vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng đã ký với cơ sở y tế sẽ không đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế”- văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Theo Bộ Công Thương, “trong trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ (được hiểu là cung cấp miễn phí) khẩu trang cho cơ sở y tế trong nước mới được xuất khẩu, tỷ lệ yêu cầu hỗ trợ 20% có thể là quá cao”.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị, duy trì chế độ cấp giấy phép; Doanh nghiệp được cấp phép được xuất khẩu khẩu trang không hạn chế, nhưng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có cam kết sẵn sàng cung cấp số lượng tối thiểu 10% năng lực sản xuất đã kê khai với Bộ Y tế cho nhu cầu sử dụng trong nước trong trường hợp được huy động.
Với những doanh nghiệp xuất trình được tài liệu chứng minh đã tham gia bán hoặc hỗ trợ khẩu trang cho Bộ Y tế, cơ sở y tế tối thiểu 10% năng lực sản xuất thì được miễn yêu cầu cam kết nói trên.
Khi yêu cầu chống dịch trong nước tăng cao, Bộ Y tế có quyền hạn chế số lượng cấp phép hoặc tạm dừng cấp phép.
Bộ Công Thương cũng đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép khi nhu cầu dự trữ đã được đáp ứng hoặc lập lại chế độ giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế khi có nhu cầu.
Đồng thời, tờ trình cần bỏ nhiệm vụ: “Giao Bộ Công Thương đảm bảo đủ nguồn nguyên vật liệu để các cơ sở ổn định sản xuất” do nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Sau khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xuất khẩu mặt hàng này trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 20 theo hướng “cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu”.
Theo dự thảo tờ trình, doanh nghiệp muốn xuất được khẩu trang y tế phải trình một trong các văn bản: Bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế; Bản chính văn bản thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế (trong đó phải ghi rõ số lượng khẩu trang và thời gian thực hiện cam kết không quá 3 tháng kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phương án nêu trên khiến doanh nghiệp khó tận dụng được thời cơ để xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế.