Sự cố chất thải được phân thành 4 loại để xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan

Ngày 18/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ban hành quy chế ứng phó sự cố chất thải. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định pháp luật cụ thể về ứng phó sự cố chất thải. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (đơn vị chủ trì) về nội dung này.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/5/2020 tới đây, xin ông chia sẻ về sự cần thiết và bối cảnh ban hành Quy chế này.

Ông Phan Tuấn Hùng: Theo Luật Bảo vệ môi trường thì sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng. Có thể thấy khái niệm sự cố môi trường là rất rộng, bao gồm các sự cố do thiên tai, nhân tai và sự cố kết hợp giữa thiên tai và nhân tai. Thực tế hiện nay do tính chất rất khác nhau của các sự cố môi trường nên các sự cố đã được quy định bởi các hệ thống pháp luật khác nhau, chẳng hạn như hóa chất, cháy nổ, tràn dầu, phóng xạ, thiên tai, cháy rừng.v.v…  Các sự cố tôi đề cập hiện đang được quy định với các hình thức, mức độ hiệu lực pháp luật khác nhau và trách nhiệm chủ trì, phân công, phân cấp trách nhiệm ứng phó cũng rất khác nhau.

Sự cố chất thải là một loại sự cố môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Về góc độ pháp lý tôi cho rằng việc ứng phó sự cố chất thải trước khi ban hành Quy chế này là một khoảng trống pháp lý, chúng ta chưa có quy định pháp luật cụ thể về ứng phó sự cố chất thải, đặc biệt là xác định loại sự cố, các bước ứng phó, trách nhiệm tổ chức ứng phó, nguồn lực để ứng phó.v.v…. Do thiếu hành lang pháp lý nên việc ứng phó sự cố chất thải thời gian qua chúng ta còn rất lúng túng, bị động và thiếu hiệu quả. Chúng tôi có đi khảo sát thực tế thì các địa phương cho biết khi xảy ra sự cố chất thải chính quyền địa phương đã huy động toàn hệ thống chính trị và các lực lượng liên quan vào cuộc nhưng do không có quy định cụ thể, không rõ trách nhiệm nên không ai biết mình phải làm gì. Cá nhân tôi cho rằng Quy chế này là mảnh ghép quan trọng và cần thiết để lấp đầy khoảng trống pháp lý và tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn ứng phó sự cố chất thải hiện nay.

Trong quá trình xây dựng Quy chế cũng có ý kiến đề xuất ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường bao trùm, tích hợp và điều chỉnh tất cả các sự cố môi trường hiện nay để bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, hiệu quả nguồn lực.v.v.. trong ứng phó các sự cố môi trường. Đề xuất này rất đúng và đấy là mô hình mà chúng ta hướng đến tương tự như các quốc gia phát triển đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt trong bối cảnh thực tế là đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các sự cố khác nhau và để làm việc này cần phải xử lý ở cấp độ luật và cần có lộ trình nghiên cứu, đánh giá tổng thể từ đó mới sửa đổi, tích hợp các quy định pháp luật có liên quan. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và vấn đề này sẽ được tính toán tổng thể trong dự án Luật này; dự kiến dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2020.

Tôi cũng xin nói thêm là Quyết định ban hành Quy chế này là văn bản dưới luật nên không thể tham vọng điều chỉnh tất cả các nội dung có liên quan mà phải bảo đảm nguyên tắc không thể trái và phải thống nhất các quy định pháp luật hiện hành có liên quan, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật cao hơn như luật, pháp lệnh, nghị định.

Thưa ông, xin ông cho biết khái niệm sự cố chất thải và phạm vi điều chỉnh của Quy chế ứng phó sự cố chất thải?

Ông Phan Tuấn Hùng: Theo Quy chế thì sự cố chất thải là một loại sự cố môi trường và do chất thải gây ra; chất thải ở đây là nước thải, khí thải, chất thải rắn. Sự cố này xảy ra trong quá trình quản lý chất thải của tổ chức, cá nhân gồm các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

Phạm vi điều chỉnh của Quy chế này là việc ứng phó sự cố chất thải, bao gồm phân loại sự cố, giai đoạn ứng phó sự cố và trách nhiệm ứng phó sự cố và các cơ chế tài chính, nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố chất thải.

Tuy nhiên, Quy chế này đã loại trừ và không điều chỉnh sự cố chất thải trong 02 trường hợp: (1) sự cố chất thải do thiên tai gây ra (như bão, lũ, động đất, sạt lở đất.v.v.) và (2) sự cố chất thải xảy ra trên biển. Theo quy định thì việc ứng phó sự cố chất thải do thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai. Việc ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên biển được thực hiện theo quy định pháp luật về ứng phó sự cố hóa chất độc, ứng phó sự cố tràn dầu và các pháp luật khác có liên quan.

Sự cố chất thải được phân loại như thế nào và việc xác định trách nhiệm ứng phó sự cố chất thải sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Quán triệt nguyên tắc “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” đã được thực hiện thành công, hiệu quả trong phòng chống thiên tai, Quy chế này đã quy định rõ nguyên tắc sự cố chất thải xảy ra ở đâu thì chính quyền địa phương ở đó phải có trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố. Sự cố chất thải được phân loại thành 04 loại dựa trên mức độ, phạm vi tác động đến môi trường của sự cố; tương ứng từng loại sự cố chất thải thì trách nhiệm ứng phó của các chủ thể đã được xác định rõ ràng, cụ thể.

Sự cố mức độ thấp: gồm sự cố trong phạm vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở thì chủ cơ sở tổ chức ứng phó và sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một huyện (trừ sự cố trong phạm vi của cơ sở) thì Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức ứng phó.

Sự cố mức độ trung bình là sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một tỉnh (trừ sự cố mức độ thấp). Sự cố loại này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức ứng phó.

Sự cố mức độ cao là sự cố có phạm vi ảnh hưởng trên địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên. Sự cố này do Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo tổ chức ứng phó.

Sự cố thảm họa là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Việc ứng phó sự cố này được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp

Quy chế này cho phép cơ quan, người có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức ứng phó sự cố chất thải được thành lập sở chỉ huy, chỉ định người chỉ huy, chỉ định người phát ngôn và được quyền yêu cầu và huy động các lực lượng có liên quan để tổ chức ứng phó sự cố chất thải.

Vậy cơ quan quản lý nhà nước, chuyên môn về bảo vệ môi trường có vai trò như thế nào? Vấn đề này, Quy chế đã quy định rõ cơ quan tham mưu trong tổ chức ứng phó sự cố chất thải là Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp tương ứng thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Ứng phó sự cố chất thải có các giai đoạn, xin ông cho biết các giai đoạn được quy định như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Đúng vậy, ứng phó sự cố chất thải có 03 giai đoạn: (1) giai đoạn chuẩn bị ứng phó sự cố, (2) giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố và (3) giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố. Bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố và giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường phải được công bố công khai bởi cơ quan có thẩm quyền để cộng đồng dân cư được biết.

Giai đoạn thứ nhất là chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải. Giai đoạn này gồm các hoạt động như xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố; xây dựng lực lượng, nguồn lực và trang thiết bị ứng phó sự cố và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố sự cố chất thải.

Giai đoạn thứ hai là tổ chức ứng phó sự cố chất thải. Đây là giai đoạn phức tạp nhất và khó khăn nhất, gồm các hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin và công bố sự cố chất thải; thành lập sở chỉ huy, chỉ định người chỉ huy, người phát ngôn; huy động các lực lượng để triển khai các hoạt động ứng phó cụ thể; điều tra nguyên nhân sự cố trong trường hợp cần thiết.

Giai đoạn thứ ba là cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải gồm các nội dung như điều tra, đánh giá mức độ thiệt hại; xác định khối lượng, hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; xây dựng, phê duyệt kế hoạch, dự toán và tổ chức thực hiện kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường; nghiệm thu và công bố hoàn thành giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường.

Chúng ta có thể thấy mỗi giai đoạn có nội dung khác nhau và trách nhiệm của các chủ thể cũng khác nhau. Trong giai đoạn chuẩn bị ứng phó sự cố chất thải và giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố chất thải, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp là cơ quan chủ trì, chỉ đạo thực hiện với sự tham mưu, tham gia của các cơ quan quản lý, chuyên môn về bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, cơ quan quản lý, chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp là cơ quan chủ trì, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Một vấn đề quan trọng là kinh phí, không có kinh phí thì sẽ không thể ứng phó sự cố chất thải, vậy vấn đề này được quy định như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Điều này là hoàn toàn chính xác, nói đến ứng phó sự cố môi trường hay sự cố chất thải thì vấn đề kinh phí thực hiện là rất quan trọng, quyết định thành công, hiệu quả của công tác ứng phó. Thực tế thời gian qua cho thấy vấn đề kinh phí đang là nút thắt cần phải tháo gỡ, đa số các sự cố đã xảy ra không thể bố trí kinh phí kịp thời nên việc ứng phó sự cố rất khó khăn.

Về nguyên tắc, ai gây ra sự cố chất thải thì phải có trách nhiệm chi trả cho chi phí tổ chức ứng phó, cải tạo và phục hồi môi trường, bao gồm cả các trách nhiệm khác như bồi thường thiệt hại, hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra sự cố không có khả năng chi trả, chi trả không đủ, không kịp thời hoặc trong trường hợp chưa xác định được chủ thể gây ra sự cố thì nhà nước có trách nhiệm đứng ra tổ chức ứng phó sự cố để bảo vệ lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng. Theo Quy chế, trường hợp này thì nguồn kinh phí được xác định là từ nguồn kinh phí dự phòng, nguồn sự nghiệp môi trường và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Sau đó tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố cho nhà nước.

Một điểm cần lưu ý là việc thanh quyết toán cho nội dung chi của giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố chất thải được thực hiện dựa vào chi phí thực tế, còn nội dung chi của giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường sẽ dựa trên dự toán được phê duyệt. Để quy định rõ nội dung này, Quy chế đã có quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn định mức chi tiết về vấn đề này.

Một vấn đề được quan tâm là cung cấp thông tin về sự cố chất thải và sự tham gia cộng đồng, xin ông cho biết vấn đề này, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng: Thông tin và cung cấp thông tin là một vấn đề rất quan trọng trong ứng phó sự cố môi trường và sự cố chất thải nói riêng. Nếu thực hiện cung cấp thông tin tốt, hiệu quả sẽ giúp cho công tác ứng phó sự cố được tốt, hiệu quả và nếu không thực hiện tốt công tác này thì sẽ có các tác động tiêu cực. Thực tiễn ứng phó các sự cố xảy ra thời gian qua cho thấy việc cung cấp thông tin chưa được thực hiện tốt, chưa có quy định rõ về vấn đề này và đặc biệt là chưa xác định rõ đầu mối phát ngôn và cung cấp thông tin. Do vậy, một số trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng đưa thông tin sai sự thật, kích động gây tâm lý hoang mang, bất ổn không đáng có trong xã hội.

Chính vì vậy, Quy chế đã quy định người có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức ứng phó sự cố chất thải phải chỉ định người phát ngôn về ứng phó sự cố. Người phát ngôn trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức về sự cố chất thải cho cộng đồng, cơ quan truyền thông. Quy chế cũng quy định cụ thể thời gian, hình thức cung cấp thông tin về sự cố chất thải dễ tiếp cận, trung thực và chính xác nhất.

Một nội dung quan trọng của Quy chế này là quy định sự tham gia của cộng đồng trong các giai đoạn ứng phó sự cố chất thải, từ diễn tập ứng phó sự cố môi trường, tham gia ứng phó sự cố và giám sát việc cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải. Quy chế đã quy định cộng đồng dân cư có quyền được tiếp cận, được cung cấp các thông tin về ứng phó sự cố chất thải; các cơ quan truyền thông được cung cấp thông tin về sự cố và có trách nhiệm đưa tin chính xác, trung thực về sự cố chất thải và ứng phó sự cố chất thải.

Xin cảm ơn ông.

Phân loại sự cố chất thải và Trách nhiệm ứng phó sự cố chất thải

Loại sự cố chất thải Trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố chất thải Trách nhiệm tham mưu ứng phó sự cố chất thải
SỰ CỐ CHẤT THẢI MỨC ĐỘ THẤP
Sự cố trong phạm vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trong khả năng tự ứng phó của cơ sở; Chủ hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ra sự cố Bộ phận/cán bộ kỹ thuật của cơ sở
Sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một huyện (trừ sự cố trong phạm vi của cơ sở) Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện Phòng Tài nguyên và Môi trường
SỰ CỐ CHẤT THẢI MỨC ĐỘ TRUNG BÌNH
Sự cố có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một tỉnh (trừ sự cố mức độ thấp) Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh Sở Tài nguyên và Môi trường
SỰ CỐ CHẤT THẢI MỨC ĐỘ CAO
Sự cố có phạm vi ảnh hưởng trên địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường
SỰ CỐ CHẤT THẢI MỨC ĐỘ THẢM HỌA
Sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường