Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) Trần Ngọc Hiếu cho biết hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm các giải pháp bảo vệ đàn voọc chà vá chân đen quý hiếm.
Đây là loài sinh trưởng trên núi đá cao nhưng gần đây đã di chuyển xuống các khu rừng gần cung đường ven biển để lưu trú, cạnh nương rẫy của người dân. Voọc chà vá chân đen là động vật hoang dã thuộc nhóm linh trưởng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Theo ông, gần đây do nắng hạn kéo dài nên có đàn voọc chà vá chân đen trên núi cao di chuyển xuống vùng ven biển, khu vực nương rẫy người dân tìm nước uống. Qua kiểm đếm ban đầu, hiện có khoảng 200 cá thể voọc chà vá chân đen (có tên khoa học là Pygathrix nigripes), có lông màu đen, mặt trắng, đuôi trắng, con lớn nặng khoảng 10 kg, chia thành 20 đàn thường xuất hiện tại lâm phần thuộc địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm và Phước Minh (huyện Thuận Nam). Các đàn voọc tập trung thành đàn nhỏ từ 5-7 con, xuất hiện vào buổi sáng sớm và chiều tối trên những sườn núi đá lưng chừng. Con đầu đàn thường ngồi cảnh giới trên cây cao, khi thấy con người xuất hiện thì kêu rít lên báo hiệu cho cả đàn ẩn nấp để tránh bị sát hại.
Cũng theo ông Hiếu, voọc chà vá chân đen sinh sống ở khu vực Nam Trường Sơn của Việt Nam và vùng miền núi Campuchia. Đây là một trong những loài linh trưởng thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp, cần được bảo vệ. Ngày 10.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg về “Phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo vệ các loại linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Theo đó, những năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ đàn voọc này. Tới đây, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam sẽ giao nhiệm vụ cụ thể bảo vệ Voọc chà vá chân đen đến các tổ, đội và cá nhân. “Trước đây, voọc sống trên đỉnh núi cao từ 600 -700 m, ẩn trong hốc đá, rất khó bắt gặp, nay bất ngờ và di chuyển lùi sâu xuống chân núi thuộc các tiểu khu 204, 206, 210, 211, 213… dọc tuyến đường ven biển 701 ngày càng đông để kiếm thức ăn vào thời điểm vùng này có cây cóc rừng đang ra lá non, quả cây rừng (loại thức ăn chính của voọc), nếu không có kế hoạch bảo vệ tốt, đàn voọc dễ bị các đối tượng săn bắn sát hại”, ông Hiếu nói.
Ngay sau khi phát hiện đàn voọc xuất hiện bất bình thường trên địa bàn, để ngăn chặn tình trạng săn bắn trái phép, Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam đã cử lực lượng bảo vệ rừng ở hai trạm Bàu Ngứ và Thơm Tàu túc trực, luân phiên tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và vận động người dân trong vùng hỗ trợ đơn vị công tác bảo vệ, nhằm tạo môi trường sống cho đàn voọc phát triển. Đồng thời, tuyên truyền người dân tích cực tham gia bảo vệ đàn voọc khi xuống vườn, rẫy tìm thức ăn.
Một số hộ dân ở thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm chăn nuôi dê trên núi thuộc tiểu khu 213 đều mong muốn bảo vệ đàn voọc. “Đàn voọc ở đây rất nhanh nhẹn, có khi voọc xuống tận chân núi, vào chòi rẫy của người dân để tìm thức ăn và nước uống nhưng không xâm hại đến hoa màu và cây trồng trên rẫy của dân. Những ngày qua, nghe cơ quan chức năng tuyên truyền về động vật quý hiếm này, bà con rất hưởng ứng, nên không ai có hành động xâm hại đàn voọc, nếu nhìn thấy người lạ xuất hiện trong vùng và nghi là đối tượng săn bắt thú rừng, chúng tôi sẽ báo cho xã biết, để kiểm tra, ngăn chặn”, ông Pham Huy Xô, một người dân ở đây cho biết.
Ông Trần Ngọc Hiếu cho biết thêm, tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam rộng hơn 13.500 ha, thuộc dạng rừng bán hoang mạc, giúp chống sa mạc hóa, giữ nguồn nước ngầm ở vùng hạn Ninh Thuận. Hiện tại, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT xây dựng phương án điều tra, khảo sát đối với đàn voọc chà vá chân đen để có cơ sở quản lý và bảo vệ. Sắp tới sẽ thông báo và chọn đơn vị có chuyên môn nghiên cứu, điều tra số lượng, tập tính, cách di chuyển của đàn voọc này để có hướng bảo vệ lâu dài, tạo môi trường thuận lợi cho đàn voọc cư trú, phát triển số lượng.