Hiện Việt Nam ghi nhận 270 ca mắc COVID-19, trong đó 255 ca đã công bố khỏi bệnh. Tính từ ngày 16.4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, có 5 ca dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Liên tiếp có ca mắc COVID-19 tái nhiễm
5 ca bệnh dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân 188, 137 bệnh nhân (đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2); Bệnh nhân 52, bệnh nhân 149 (đang điều trị tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh) và bệnh nhân 36 (đang điều trị tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Bình Thuận).
Trước đó, những bệnh nhân này đã trải qua quá trình điều trị và nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, ngay sau đó những bệnh nhân này lại có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Theo PGS.TS BS Lê Văn Đông – Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ (Học viện Quân y): Xét nghiệm Realtime-PCR là xét nghiệm sinh học phân tử tìm vật liệu di truyền của virus. Đây là xét nghiệm phát hiện trực tiếp của virus trong mẫu bệnh phẩm.
Yếu tố làm cho virus tái xuất hiện ở mẫu bệnh phẩm có thể: Tái nhiễm do đang ở trong bệnh viện hay khu cách ly xảy ra hiện tượng nhiễm chéo (điều này ít khả năng) vì các cơ sở y tế kiểm soát tốt. Hoặc tái phát là các kết quả xét nghiệm lần trước chuyển từ dương tính thành âm tính là do lượng virus từ nhiều thành ít đến dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm chứ không phải là sạch virus. Mẫu bệnh phẩm đó âm tính thực sự nhưng virus còn tồn tại ở những vị trí khác trong cơ thể (còn ít nhưng ở sâu dưới nhu mô phổi, trong máu, trong các mô khác – đặc biệt là trong các hạch lympho là thành phần của hệ miễn dịch).
“Chắc chắn các bệnh viện có tình trạng khỏi bệnh rồi dương tính trở lại dù là tái nhiễm hay tái phát cũng phải tiếp tục cách ly và điều trị. Với các bệnh nhân đang điều trị có thể phải xem xét lại tiêu chí “khỏi bệnh”, trong đó, đặc biệt lưu ý đến kết quả xét nghiệm. Khi làm xét nghiệm Realtime-PCR tìm virus phải xét nghiệm nhiều loại bệnh phẩm hơn, xét nghiệm trong một khoảng thời gian dài hơn không chỉ 3 ngày liên tiếp mà giãn cách thời gian ra rộng hơn, sử dụng các loại xét nghiệm Realtime-PCR có độ nhạy cao hơn để phát hiện được lượng virus ít hơn. Ngoài xét nghiệm tìm virus phải có thêm xét nghiệm huyết thanh đánh giá lượng kháng thể bảo vệ đã có chưa và đủ mạnh hay không”, PGS.TS BS Lê Văn Đông cho hay.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, nhất là trong tế bào niêm mạc phổi. Thứ hai, là khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt – xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được. Thứ ba, là trường hợp người lành mang trùng (hiện có một trường hợp). Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
“Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh. Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.
Không bỏ sót người bệnh trong cộng đồng
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.
Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiến hành lấy mẫu hết tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa, để xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt được virus hay không.
Các cơ quan chuyên môn đặc biệt là các chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam không còn hoặc có rất ít ca bệnh mới nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, có người mang virus. Qua tổng kết có nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi cơ thể, triệu chứng của cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua…
“Chúng tôi rất lo ngại làn sóng thứ 2 đối với dịch COVID-19. Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.