Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 25/4

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 sáng 25/4 cho thấy, số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới đã tiến sát mốc 200.000 người.

10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới tính đến 5h45 sáng 25/4 (theo giờ Việt Nam). Nguồn: worldometers.info

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến 5h45 sáng ngày 25/4 (giờ Việt Nam) trên trang mạng worldometers.com cho thấy, thế giới đang ngày càng tiến gần hơn đến mốc 3 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, khi có thêm tới hơn 100.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24h. Số ca tử vong cũng gần chạm ngưỡng 200.000 người, tăng hơn 6.000 ca tử vong mới so với sáng qua.

Tuy nhiên, số ca bệnh nặng đang điều trị giảm nhẹ hơn 300 ca so với hôm qua, hiện còn 58.361 ca. Đã có 770.977 người khỏi bệnh.

Trong bảng cập nhật số liệu mới nhất dịch COVID-19, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với 52.061 ca (tăng 1.827 ca), tiếp đến là Italy với 25.969 ca (tăng 420 ca) và Tây Ban Nha với 22.524 ca (tăng 367 ca). Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Pháp với 22.245 ca (tăng 389 ca) và Anh 19.506 ca (tăng 768 ca).

Về tổng số ca nhiễm, Mỹ chiếm khoảng 1/3 số ca trên toàn thế giới với 922.293 ca (tăng 35.851 ca). Tiếp đến là Tây Ban Nha với 219.764 ca (tăng 6.740 ca); Italy 192.994 ca (tăng 3.021 ca), Pháp 159.828 ca (tăng 1.645 ca) và Đức 154.999 ca (tăng 1.870 ca).
Còn tại Việt Nam, sáng 25/4, Bộ Y tế công bố không có mắc COVID-19 mới nào.

Chiều 24/4, Bộ Y tế công bố 2 ca mắc COVID-19 là hai du học sinh từ Nhật Bản mới nhập cảnh vào Việt Nam. Trong cộng đồng, không phát hiện ca mắc mới. Đến nay cả nước ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam, đến nay đã có 225 người được điều trị khỏi bệnh. Trong số các ca đang điều trị, có 15 ca âm tính lần 1 và 2 ca âm tính từ 2 lần trở lên.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 5 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Mỹ: Virus SARS-CoV-2 tới New York từ châu Âu, không phải Trung Quốc

Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/4 rằng, virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên lây nhiễm cho người dân tại tiểu bang New York là tới từ châu Âu, không phải từ Trung Quốc, và rằng lệnh cấm du khách từ Trung Quốc được Tổng thống Donald Trump đưa ra là quá muộn để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch COVID-19 khiến hơn 50.000 người Mỹ tử vong, cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm.

*Đông Nam Á có nguy cơ trở thành điểm nóng mới

Tại Đông Nam Á – khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng mới của thế giới, số ca mắc COVID-19 không ngừng gia tăng.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, vùng dịch lớn nhất là Singapore tiếp tục phát hiện thêm 897 ca mắc bệnh COVID-19. Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại quốc đảo này là 12.075 người, trong đó có 12 người tử vong.

Cảnh vắng vẻ tại Vịnh Marina, Singapore ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia cũng ghi nhận thêm 436 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện tại nước này, và 42 ca tử vong. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 8.211 người mắc COVID-19, trong đó có 689 người tử vong.

Philippines cũng có thêm 211 người mắc COVID-19 và 15 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 7.192 ca và số ca tử vong lên 477 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5 tới.

Trong khi đó, Malaysia xác nhận thêm 88 người mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 5.691, trong đó có 96 ca tử vong. Đây là ngày thứ tám liên tiếp, số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng 2 con số.

*Italy: 150 bác sĩ đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2

Liên đoàn Bác sĩ Italy (FNOMCEO) cho biết 150 bác sĩ đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, danh sách gồm các bác sĩ đang công tác và đã nghỉ hưu quay trở lại hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19. Trong khi đó, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cũng công bố số y bác sĩ, nhân viên y tế mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, với 19.628 trường hợp trong độ tuổi từ 18-79.

*Pháp: 120 thủy thủ của tàu sân bay Charles-de-Gaulle đã được chữa khỏi bệnh

Hải quân Pháp cùng ngày cho biết 120 thủy thủ của tàu sân bay Charles-de-Gaulle đã được chữa khỏi bệnh COVID-19 và được phép ra viện hoặc rời khỏi nơi cách ly trong căn cứ.

Trước đó, gần 2/3 thủy thủ đoàn, tức là 1.046 trên tổng số 1.760 binh sĩ, đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân và việc quản lý trên tàu gây ra sự lây nhiễm nghiêm trọng này, khiến Charles-de-Gaulle phải cắt ngắn lịch trình và trở về nước sớm hơn 10 ngày so với dự kiến.

Trong một thông cáo ngày 24/4, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết đã mua dự trữ thuốc chloroquine từ Trung Quốc. Đây được coi là một sự “phòng xa”, trong trường hợp thuốc này được giới chức y tế công nhận về hiệu quả chống virus SARS-CoV-2 hiện đang gây tranh cãi trên thế giới.

*Nga sắp đưa bệnh viện dã chiến hơn 1.000 giường ở St Petersburg vào hoạt động

Dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Nga, Ukraine. Hiện Nga đang trong công tác chuẩn bị cuối cùng để đưa bệnh viện dã chiến hơn 1.000 giường ở thành phố St Petersburg đi vào hoạt động từ cuối tuần này.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến sáng 25/5 (giờ Việt Nam), trên toàn nước Nga có tổng cộng 68.622 ca mắc bệnh và 615 ca tử vong, tăng lần lượt 5.849 và 60 ca so với 24h trước. Còn tại Ukraine, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người. Số ca tử vong cũng tăng 6 người lên tổng số 193 người.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) nghiên cứu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 phục vụ điều chế vaccine tại Viện Pasteur ở Lille, Pháp ngày 9/3/2020. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

*Sắp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh vaccine toàn cầu trực tuyến

Hội nghị thượng đỉnh vaccine toàn cầu trực tuyến do Anh chủ trì sẽ diễn ra ngày 4/6 tới. Ngoài ra, Anh cũng sẽ cùng với Ủy ban châu Âu tiến hành tổ chức hội nghị thượng đỉnh ứng phó đại dịch COVID-19 toàn cầu trực tuyến vào ngày 4/5.

*Thành công bước đầu trong thử nghiệm vaccine phòng COVID-19

Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm một loại vaccine chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên khỉ và loại vaccine này đã có hiệu quả trong việc bảo vệ khỉ thí nghiệm trước sự tấn công của virus này.

Sau khi công kết quả thử nghiệm trên, ngày 22/4, Sinovac đã bắt đầu thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, những kết quả thử nghiệm của Sinovac chưa được cộng đồng khoa học toàn cầu xem xét.

*FDA khuyến cáo không sử dụng thuốc chữa sốt rét trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) ngày 24/4 đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng 2 loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine trong điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim.

*FIFA công bố số tiền hỗ trợ các liên đoàn gặp khó khăn

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) ngày 24/4 thông báo sẽ cung cấp khoản tiền trị giá 150 triệu USD để hỗ trợ liên đoàn bóng đá các nước đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Máy trợ thở CPAP do các nhà nghiên cứu của Đại học College London (UCL) phối hợp với các kỹ thuật viên đội đua Công thức 1 Mercedes sáng chế để dùng cho các bệnh nhân COVID-19 nặng, ngày 30/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

*IMF và WTO kêu gọi các nước không hạn chế xuất khẩu vật tư y tế và lương thực

Trong tuyên bố chung, IMF và WTO nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do việc tăng cường áp đặt những hạn chế về xuất khẩu cùng những hành động khác vốn đang làm hạn chế các nguồn cung y tế và lương thực then chốt”.

Tuyên bố khẳng định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chệch hướng cung cấp các sản phẩm thiết yếu có nguy cơ “kéo dài và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay”.

IMF và WTO đồng thời cảnh báo việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế và lương thực có thể gây ra những “tác dụng ngược nguy hiểm”.