Một lượng lớn đất, đá tràn xuống vịnh Nha Trang khi Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (Khánh Hòa) bất chấp xây dựng không phép trên hòn đảo này. Các chuyên gia hải dương học cho rằng đó là hành động đối đầu với môi trường tự nhiên, vi phạm Luật Di sản, nhất là rất khó để phục hồi nguyên trạng những rạn san hô đang bị hủy hoại.
Dự án chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ
Liên quan đến hành vi xây dựng công trình trái phép trên đảo Hòn Tằm, theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, qua lặn kiểm tra đáy biển, cơ quan này phát hiện đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. Đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng. Một lượng bùn đất không nhỏ theo dòng chảy tràn ra các khu vực xung quanh, có nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại vùng nước ở khu bảo tồn kề dự án Khu du lịch đảo Hòn Tằm.
PGS-TS Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam – cho rằng, vịnh Nha Trang nói chung và hệ sinh thái san hô ở đây nói riêng đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất, điều này rất có hại cho tương lai. “Dự án trên đảo Hòn Tằm chưa có phép, như vậy họ đã sai ngay từ đầu. Bởi vịnh Nha Trang có các cơ quan chuyên trách quản lý, được bảo vệ bởi Luật Di sản hay quy định về khu bảo tồn biển. Vậy ta nên đặt câu hỏi vì sao một công trình lớn, nằm trong khu bảo tồn lại có thể thi công san ủi đất đá lấn, lấp biển trong thời gian dài?” – TS An nêu quan điểm.
TS An nhìn nhận, phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của xã hội, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó. Ông cho rằng, vịnh Nha Trang là tài sản quý không chỉ riêng Khánh Hòa mà của cả nhân loại. Ngoài cảnh quan, giá trị văn hóa, hệ sinh thái san hô ở đây thực sự là vô giá, không phải nơi nào cũng có. Theo TS An, phải nhìn thẳng vào thực tế, dự án được cấp phép trong danh thắng vịnh Nha Trang chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ.
Không thể “sửa chữa” được!
Đây không phải là lần đầu tiên vịnh Nha Trang bị xâm hại, mà nhiều năm qua, việc cấp phép vô tội vạ, cộng thêm sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hủy hoại môi trường vịnh Nha Trang. Điều kỳ lạ là khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì mọi chuyện đã rồi.
Có thể kể đến là dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái ở đảo Hòn Rùa, vịnh Nha Trang (đã bị thu hồi). Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư dự án này đã vi phạm rất nghiêm trọng, như đổ 12.870,7m2 đá lấn vịnh Nha Trang ngoài ranh giới được giao; thi công đường giao thông nội bộ ngoài ranh giới với diện tích 1.068m2, chiều dài 127m, sai với giấy phép xây dựng. Với những sai phạm trên, dự án này bị xử phạt hành chính 175 triệu đồng, phải thực hiện khắc phục hậu quả, nhưng hậu quả không có khả năng khắc phục. Hay chủ đầu tư dự án Khu du lịch Champarama Resort and Spa (phường Vĩnh Hòa) đã đổ đất đá lấn biển vịnh Nha Trang với diện tích hơn 17.564m2. Diện tích này nằm ngoài ranh giới được giao…
“Nguồn lợi thủy sản từ biển thì các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng, nếu mất chúng đi, ta mất chừng đó giá trị lợi nhuận bền vững từ biển” – TS Nguyễn Tác An nói. TS An cho rằng, nếu suy xét ở tất cả góc độ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo tồn thì các công trình xây dựng ở Hòn Tằm là sai trái. “Họ thi công không có giấy phép là sai, nhưng cái sai đó có thể sửa chữa được. Còn việc thi công mà để đất đá tràn xuống vịnh, làm chết san hô trong khu bảo tồn là một tai họa rất lớn, mà chắc chắn không thể sửa chữa” – TS An nhấn mạnh.
Theo một lãnh đạo Viện Hải Dương học Nha Trang (Khánh Hòa), đặc tính của loài san hô vốn được hình thành rất chậm, chục năm mới mọc ra được vài centimét, muốn phục hồi lại được một rạn san hô bị ảnh hưởng phải mất ít nhất 50 năm mới. Kèm theo đó là khoản tiền không hề nhỏ. “Việc xử lý dưới đáy biển không dễ, chất ô nhiễm thường sẽ nằm trong hang hốc của san hô khiến công tác này gặp nhiều khó khăn” – vị lãnh đạo Viện Hải dương học Nha Trang cho biết.
Trả lời câu phóng viên Lao Động về việc tại sao không ngăn chặn, ông Nguyễn Đức Trọng – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết: “Không phải chậm, khi phát hiện chủ đầu tư xây dựng, chúng tôi cùng với Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã đi kiểm tra ngay và báo cáo bằng văn bản rồi. Công trình này thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh, thành phố, chứ chúng tôi không có thẩm quyền. Còn vì sao cấp trên chậm ra quyết định xử phạt và ngăn chặn hành vi thì chúng tôi không rõ”.
Hình ảnh chúng tôi ghi lại trên đảo Hòn Tằm cho thấy, hoạt động xây dựng không phép tại đây đã bắt đầu diễn ra từ những tháng đầu năm 2019. Thế nhưng đến tận 31.3.2020, ông Mai Xuân Hưng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – mới có báo cáo kết quả kiểm tra vi phạm và đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định xử phạt (!).
Tương tự, đến ngày 20.3.2020, UBND TP.Nha Trang mới ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (!).
Những động thái này đủ cho thấy sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian để tiếp tục hủy hoại đất đai, môi trường sinh thái biển… Thế nhưng, trong nhiều báo cáo của UBND TP.Nha Trang và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai thì không được nhắc đến!