Trung Quốc hút cạn Mê Kông

Xả nhiều nước hơn từ các đập thượng nguồn xuống hạ lưu Mê Kông vào mùa khô và xả ít hơn vào mùa mưa là sự hợp tác lý tưởng mà Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam mong chờ ở Trung Quốc. Nhưng trong thực tế thì Trung Quốc dường như làm điều ngược lại.

Nghiên cứu mới do Eyes on Earth Inc thực hiện chỉ ra rằng Trung Quốc đã đóng kín đoạn sông thượng nguồn vào năm ngoái dù lượng mưa cao hơn hẳn thông thường do mưa lớn và tuyết tan. Hành động này gây ra hạn hán nghiêm trọng bất thường ở bốn quốc gia hạ nguồn.

Đập Nam Ou 1 ở Bắc Lào do công ty thủy điện lớn nhất của Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: Sergey Ponomarev/New York Times)

Trích dẫn dữ liệu ảnh vệ tinh, quy trình viễn thám và mực nước đo trên một đoạn sông Mê Kông ở tỉnh Chiang Rai của Thái Lan, nghiên cứu cho thấy từ tháng 4 đến tháng 9/2019, 11 con đập của Trung Quốc đã chặn hoặc hạn chế nước nhiều hơn bao giờ hết, gây ra mực nước thấp kỷ lục trong 50 năm ở hạ nguồn Mê Kông. Nếu Trung Quốc để nước chảy theo quy luật tự nhiên, bốn quốc gia đã có được lượng nước trên mức trung bình.

Nghiên cứu cũng cho thấy 11 con đập của Trung Quốc đã lưu trữ một lượng nước lớn trong ba thập kỷ qua.

Trung Quốc chưa bao giờ cởi mở về việc đã giữ hoặc xả ra bao nhiêu nước từ các hồ chứa kể từ khi nước này bắt đầu xây đập trên sông Mê Kông vào những năm 1990.

Trước khi nghiên cứu được công bố vào 13/4, Trung Quốc tranh cãi gay gắt về những phát hiện này, khẳng định đã đảm bảo việc xả nước hợp lý. Không ai tin vào lý lẽ bào chữa đó khi Trung Quốc không minh bạch trong việc sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông. Nếu muốn chứng minh rằng không ngăn nước và gây thiệt hại cho người dân Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam thì Trung Quốc nên chia sẻ thông tin toàn diện về việc lưu trữ và xả nước.

Những phát hiện từ nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lũ lụt bất ngờ ở hạ nguồn Mê Kông trong những năm qua có thể là do Trung Quốc điều tiết dòng chảy sông – xả nước quá mức để tránh lũ lụt ở Lan Thương (tên đoạn thượng nguồn sông Mê Kông).

Kể từ lúc Trung Quốc bắt đầu xây dựng các con đập, nhiều người lo lắng rằng nước này sẽ lấy nước từ các quốc gia hạ nguồn – nơi người dân phụ thuộc vào dòng sông để có thức ăn và sinh kế. Khi Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam thành lập Ủy hội sông Mê Kông (MRC) để hợp tác phát triển trong lưu vực, Trung Quốc đã không tham gia. Bắc Kinh chỉ đơn thuần trở thành “Đối tác đối thoại” của MRC từ năm 2002. Sự hợp tác hữu hình duy nhất của Bắc Kinh với MRC là chia sẻ dữ liệu về mực nước từ hai trạm quan trắc trên sông Lan Thương và chỉ trong mùa mưa.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, mức độ nghiêm trọng và tần suất hạn hán và lũ lụt ở hạ nguồn sông Mê Kông gia tăng một phần do khí hậu biến đổi. Nhưng nguyên nhân chủ đạo là do Trung Quốc tích nước.

Trở thành thành viên MRC có thể buộc Trung Quốc minh bạch hơn về sử dụng nước và chia sẻ tất cả thông tin về mực nước. Do đó, nước này chọn giải pháp thành lập cái gọi là Hợp tác Mê Kông – Lan Thương – một nền tảng thay thế mà chính quyền Bắc Kinh có thể kiểm soát và thao túng.

Tuy nhiên, dù đã mở rộng cả thương mại và sức mạnh địa chính trị của mình ở Thái Lan, Lào và Campuchia thì Trung Quốc nên đối xử với các quốc gia này như là đối tác bằng cách thông báo chính xác lượng nước đã bị giữ lại và xả xuống sông Mê Kông vĩ đại, nghiên cứu nhấn mạnh.

Thế Anh (Theo Bangkok Post)

Nguồn:
BVR&MT