Với ước tính dịch COVID-19 có thể “làm bốc hơi” 1/10 sản lượng kinh tế của khối, EC đang cố gắng thương thảo một chương trình phục hồi trị giá tới 1,5 nghìn tỷ euro.
Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần hơn đến sự đồng thuận về sử dụng ngân sách dài hạn chung để khôi phục nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 tàn phá, tuy nhiên hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến vào ngày 23/4 tới vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng do còn nhiều chi tiết gây tranh cãi.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, trong thư mời gửi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Quỹ phục hồi kinh tế nên được hình thành càng sớm càng tốt dựa trên ngân sách dài hạn tiếp theo của khối cho giai đoạn 2021-27.
Chủ tịch Michel đề nghị giao cho Ủy ban châu Âu (EC) phân tích các nhu cầu chính xác và đưa ra đề xuất cụ thể. Với ước tính dịch COVID-19 có thể “làm bốc hơi” 1/10 sản lượng kinh tế của khối, EC đang cố gắng thương thảo một chương trình phục hồi trị giá tới 1,5 nghìn tỷ euro.
Tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh, EC sẽ đệ trình một dự thảo ngân sách cập nhật vào ngày 29/4, gồm khả năng Quỹ phục hồi có thể được gia tăng dựa trên sự bảo lãnh của các quốc gia thành viên. Kế hoạch sẽ phải được cả 27 quốc gia thành viên chấp thuận để có thể có hiệu lực từ năm tới.
Đây được cho là thách thức to lớn với EU tại thời điểm mà đại dịch COVID-19 đang là một phép thử cho tính thống nhất của khối.
Các quốc gia miền Bắc với chính sách thuế bảo thủ muốn kiểm soát chặt chẽ chi tiêu đã liên tục từ chối những lời kêu gọi về kế hoạch gộp nợ, còn được biết đến với tên gọi “trái phiếu corona” theo đề xuất của các quốc gia có kinh tế yếu hơn ở miền Nam để tài trợ cho chương trình tái thiết.
Trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa hiệp, EC mong muốn tài trợ cho kế hoạch vực dậy thông qua một khoản ngân quỹ chung và họ có thể tìm kiếm một quyết định gia tăng tạm thời về nguồn ngân sách trong niên độ 2021-2022 của các quốc gia thành viên, một khả năng để huy động thêm nguồn lực tài chính giúp tài trợ cho kế hoạch hành động.
Hiện Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẵn sàng ủng hộ chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế dựa trên một ngân sách EU lớn hơn và phương án về gộp nợ chung thông qua Ủy ban châu Âu.