Ngày 20/4, Hãng tư vấn Oxford Business Group (OBG) cho công bố báo cáo cập nhật đánh giá về tác động của dịch COVID-19 đối với sáng kiến Vành đai và Con đường”. Nội dung có một số điểm đáng chú ý sau:
“Vành đai và Con đường” (BRI) là một kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc về phát triển hạ tầng xuyên quốc gia, nối kết 5 châu lục bằng các hành lang đường bộ và đường biển, kết hợp với các trục trung tâm công nghiệp. Được khởi xướng từ năm 2013, BRI ban đầu chỉ tính đến việc khôi phục lại tuyến đường Tơ lụa cổ xưa nối Trung Quốc với lục địa Á-Âu. Nhưng quy mô sau đó được mở rộng, bao trùm 138 quốc gia.
Trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước đoán nguồn vốn cần cho nhu cầu phát triển hạ tầng chỉ tính riêng ở khu vực châu Á đã lên tới 26.000 tỉ USD, tính đến thời điểm năm 2030, tức trung bình mỗi năm hơn 1.700 tỉ USD. Vậy nên không có gì là ngạc nhiên khi nhiều nước có thu nhập trung bình và thấp xem BRI là công cụ để thúc đẩy các dự án hạ tầng ngốn nhiều vốn đầu tư.
Tính đến tháng 1/2020, đã có 2.951 dự án trong khuôn khổ BRI được triển khai hoặc lập kế hoạch trên toàn cầu, với trị giá lên tới 3.870 tỉ USD. Dù chưa có tiêu chí chính thức nào đối với các dự án BRI, nhưng việc chạm được vào sáng kiến này dưới các hình thức ký Bản ghi nhớ (MoU) hoặc một thỏa thuận nào đó sẽ giúp các nước sở tại tiếp cận được nguồn tài chính từ các ngân hàng chính sách, các quỹ đặc biệt của Trung Quốc, còn còn các nhà thầu, nhà cung cấp Trung Quốc có điều kiện mở rộng hoạt động ra bên ngoài, tận dụng công suất dư thừa trong nước.
Tuy nhiên, khi biên giới bị đóng lại do dịch bệnh COVID-19, chính phủ các nước bắt đầu đóng cửa các ngành kinh tế không thực sự cần thiết, yêu cầu người dân ở nhà, khiến nhiều dự án lớn của BRI bị đóng băng. Những hạn chế về tiếp nhận lao động, nhân công, nguồn cung thiết bị, hàng hóa từ Trung Quốc được xem là những tác nhân chính khiến một loạt các dự án BRI phải dừng hoặc giãn tiến độ tại Pakistan, Campuchia, Indonesia, Myanmar và Malaysia. “Một vài dự án BRI được triển khai ở những nước nghèo, những nước mà trợ giúp y tế, sức khỏe được ưu tiên cao hơn so với việc tiếp tục thực thi các dự án hạ tầng. Và xu hướng này ở từng nước đều có mức độ khác nhau”, ông Chris Devonshire-Ellis, đồng sáng lập của Dezan Shira & Associates, chia sẻ với OBG.
Vào cuối năm ngoái, khi COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, việc Trung Quốc đưa một lượng lớn nhân công trong nước sang làm việc tại các dự án BRI đã gây ra căng thẳng cho nhiều nước, dù Trung Quốc tương đối thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Gánh nặng nợ nần: Một trong những chỉ trích phổ biến nhằm vào BRI chính là việc các nước đang phát triển dễ có nguy cơ dính vào bẫy nợ không bền vững do những dự án chưa thực sự cần thiết đối với nhu cầu trong nước. Đơn cử, tháng 12/2017, Sri Lanka đã phải giao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho một công ty nhà nước Trung Quốc với thời hạn khai thác, vận hành 99 năm do nước này không thể huy động được khoản vay 1,3 tỉ USD xây tuyến đường huyết mạch chiến lược ra Ấn Độ Dương. Có lẽ vì lời cảnh tỉnh này Myanmar năm 2018 đã tái đàm phán, giảm mức đầu tư dự án đập nước sâu Kyaukpyu từ 7,3 tỉ USD xuống còn 1,3 tỉ USD.
Thế nhưng, khi mà suy giảm kinh tế vì dịch bệnh đe dọa tăng gánh nặng nợ nần đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặt Trung Quốc đối diện với nhiều sức ép tài chính, các khoản vay có liên quan đến dự án thuộc BRI một lần nữa lại một lần nữa lộ rõ những điểm hạn chế. Các khoản vay song phương mà các thiết chế tài chính Trung Quốc cung cấp cho đối tác nước ngoài tăng đồng hành với sự mở rộng của các dự án BRI trên toàn thế giới. Theo điều tra của tờ Wall Street Journal trong tháng 3/2020, khoảng 200 tỉ USD tiền các thị trường mới nổi nợ Trung Quốc đã không được đưa vào các báo cáo chính thức. Phần lớn số nợ giấu kín này là do các nhà nghiên cứu BRI phát hiện ra.
Khác với các thiết chế tài chính đa phương, khoản vay trực tiếp từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc thường được tính ở mức lãi suất thương mại và có cầm cố bảo đảm là dầu hay các hàng hóa khác. Khi nhiều nền kinh tế đang nổi đang lên tiếng kêu gọi các chủ nợ song phương, thiết chế tài chính đa phương xem xét giãn nợ, xóa nợ hoặc tái cấu trúc nợ, chưa biết Trung Quốc sẽ hành xử ra sao.
Trong quá khứ, Trung Quốc thường ưa thích xúc tiến đàm phán nợ dưới hình thức kín, giữa cấp chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc đã tự gia nhập các thỏa thuận trong khuôn khổ Nhóm G-20 về tạm thời khoanh vùng các khoản nợ song phương đối với các nước kém phát triển, được công bố hôm 15/4. Vụ cảng Kyaukpyu tại Myanmar cũng như việc Malaysia đòi đàm phán lại dự án đường sắt duyên hải phía Đông giảm được chi phí xuống 1/3 có thể sẽ giúp các nước từng ký kết BRI có thêm thời gian để đánh giá lại những tổn thất và lợi ích.
Cách tiếp cận đa phương: Kinh tế Trung Quốc quý 1 năm 2020 có mức tăng trưởng âm (-6,8%) lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, với tỉ lệ thất nghiệp tăng cao vì dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu. Nguồn lực tài chính vì thế nhiều khả năng sẽ được Trung Quốc huy động để đáp ứng nhu cầu trong nước trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư cho các dự án BRI ở nước ngoài sẽ giảm trong vòng 1-2 năm tới. Kết hợp với việc nhiều nước từng ký kết dự án BRI giờ phải đối mặt với sức ép nợ nước ngoài leo thang – đó sẽ là lúc các đối tác tái định hình tầm nhìn dài hạn theo hướng chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng có chi phí hiệu quả và mang tầm chiến lược, xác định rõ được nhu cầu và khả năng trong nước, giảm lệ thuộc vào các khoản vay mập mờ từ Trung Quốc.
Các dự án xây dựng đường ống trong khuôn khổ BRI có thể cần được mở rộng hơn về đối tượng tài trợ tài chính, ví như các thiết chế đa phương, ngân hàng nước ngoài, quỹ đầu tư tài sản, trái phiếu do các tổ chức phát hành… Điều này có thể giúp phân tán rủi ro tài chính và thúc đẩy minh bạnh, hiệu quả và sáng tạo trong quá trình thực hiện. Một số nước láng giềng của Trung Quốc và các thiết chế tài chính hoạt động ở châu Á đang sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn tại các dự án BRI. Đơn cử, Singapore có được hệ sinh thái về kĩ thuật và tài chính đủ để lập kế hoạch, tài trợ và thực thi các dự án hạ tầng lớn tại Đông Nam Á. Sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa với Trung Quốc cũng khiến Singapore trở thành đối tác có sức lôi cuốn hơn.
Ngay trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nguồn tài chính tư nhân và đồng tài trợ đã thể hiện được vai trò ngày một lớn trong các dự án BRI. Tính đến ngày 31/12/2019, tài trợ vốn vẫn là nguồn giải ngân lớn nhất đối với các quỹ tư nhân, tổ chức tài chính đa phương, với sự hiện diện ở 676 trên tổng số 1.015 dự án được công bố. Khu vực tư nhân chiếm khoảng 20,5% tổng vốn đầu tư cho các dự án. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn tương đối so với mức 46,1% nguồn tài chính đến từ các ngân hàng, tổ chức tài chính của Trung Quốc.
Theo Parag Khanna, người sáng lập của tổ chức tư vấn FutureMap, Trung Quốc đã sẵn sàng cởi mở hơn đối với sự tham gia của các thiết chế đa phương trước khi COVID-19 bùng phát và xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục, nhằm huy động được nguồn lực tài chính tư nhân và đa phương cho các một số dự án thực sự bền vững.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng việc tập trung nguồn lực tài chính cho nhu cầu trong nước không hẳn làm Trung Quốc sao nhãng BRI. Bởi BRI là một đại chiến lược; cùng với mở rộng học thuyết quân sự, Bắc Kinh sẽ tìm cách sử dụng BRI như một vỏ bọc hợp pháp cho những kết nối địa chính trị, hiệu quả chuỗi cung và liên kết thương mại giữa Trung Quốc với các nước ở châu Á, Trung Đông và nhiều khu vực khác.
Những thách thức hạ tầng ngày một lớn: Ngoài BRI, ngành hạ tầng nhìn chung đang phải đối diện với những thử thách nghiêm trọng mà COVID-19 gây ra. Đó là tình trạng thiếu hụt nguồn vốn đầu tư bên ngoài, những khó khăn trong việc huy động tư vấn và nhà thầu, trì hoãn của chính phủ trong cấp phép, phê duyệt cũng như mức độ suy giảm năng lực sản xuất do hình thức làm việc từ xa thời dịch bệnh.
Do những biện pháp hạn chế về đi lại, vận chuyển thiết bị và nguyên vật liệu xây dựng, khủng hoảng hiện nay cũng làm nổi bật sự cần thiết phải đa dạng hóa ngành logistic và chuỗi cung để quản lý và ứng phó tốt hơn với dịch bệnh. Có những tín hiệu cho thấy, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu xây dựng chuỗi cung thay thế ở Đông Nam Á.
Đối diện với đứt gãy vật lý trong ngành hạ tầng, nhiều công việc chuẩn bị vẫn có thể được thực hiện qua mạng internet, tạo ra tiến triển ở một số dự án nhất định. Hứa hẹn nhất là những dự án đó có thể bao gồm nhiều cấu thành của cái gọi là kinh tế xanh, một trong những nhân tố nổi lên là trụ cột của tăng trưởng cao, bền vững mà các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm chiến lược phục hồi kinh tế trong dài hạn. Ông Seth Tan, Giám đốc điều hành cơ quan Hạ tầng châu Á, một văn phòng trực thuộc chính phủ Singapore nhận định, sự ủng hộ dành cho các dự án năng lượng tái tạo là lớn, bởi số này ít phải đố mặt với những vấn đề phát sinh trong xây dựng, có được cơ cấu nguồn thu trực diện hơn các hình thức hạ tầng khác. Công tác định giá tín nhiệm cũng dễ dàng hơn so với các dự án hạ tầng quy mô, nơi mà doanh thu thu phụ thuộc vào nguy cơ thị trường hoặc nguy cơ sử dụng vận hành.