Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm trên toàn thế giới đang sử dụng đại dịch virus corona để giành được hàng tỷ đô la cứu trợ, đồng thời làm suy yếu và trì hoãn những biện pháp bảo vệ môi trường.
Động thái của các ngành nhiên liệu hóa thạch, xe hơi, hàng không, chăn nuôi, sản xuất nhựa và ngành gỗ bị những nhân vật cấp cao coi là nguy hiểm và vô trách nhiệm. Các nhà vận động môi trường mô tả một số người tham gia trong các ngành này là “những kẻ trục lợi từ virus corona”.
Các nhà lãnh đạo kinh tế và năng lượng cho biết món tiền chưa từng có được cam kết cho sự phục hồi toàn cầu là một cơ hội lịch sử để giải quyết khủng hoảng khí hậu và tạo ra một thế giới an toàn hơn, kiên cường hơn. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng cho đến nay vẫn chưa thấy hành động như thế.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết: “Khi nhìn vào các khu vực khác nhau trên thế giới, tôi chưa thấy ở đâu tập trung nhiều vào các công nghệ năng lượng sạch”. Birol cảnh báo về những sai lầm tương tự như đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi các gói kích thích khiến phát thải carbon tăng cao nhất trong vòng 50 năm, gấp bốn lần mức giảm sơ bộ.
“Nếu rót tiền đúng chỗ, chúng ta có thể quản lý rủi ro [khí hậu] và có một hệ thống năng lượng hiện đại hơn, sạch hơn và an toàn hơn”, Birol nói. “Nhưng nếu rót tiền sai chỗ, chúng ta sẽ tự khóa mình vào một hệ thống năng lượng bẩn hơn, khiến việc tiếp cận các mục tiêu khí hậu của chúng ta khó khăn hơn nhiều”.
Rachel Kyte, cựu đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về năng lượng kiêm cựu phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hiện giảng dạy tại Đại học Tufts, Hoa Kỳ, cho biết: “Covid-19 đặt nền kinh tế của chúng ta vào ngã ba đường. Sử dụng tiền công quỹ để bảo lãnh cho các công ty sẽ đưa chúng ta vào con đường chậm loại bỏ cacbon và không giải quyết được vấn đề không chỉ không thể chấp nhận được mà thật sự nguy hiểm”.
Không như ở Mỹ, nơi chính quyền của tổng thống Trump hạ thấp các biện pháp bảo vệ môi trường, EU ủng hộ sự phục hồi xanh.
Frans Timmermans, Phó chủ tịch điều hành Thỏa thuận xanh tại Ủy ban châu Âu, cho biết: “[Giải quyết vấn đề khẩn cấp Covid-19] không thể và không tách chúng ta khỏi nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang phủ bóng như một trong những thách thức đáng sợ nhất của loài người”.
“Cứu trợ nên đi kèm với các điều kiện rõ ràng rằng tiền sẽ được sử dụng cho một nền kinh tế xanh và một xã hội xanh. Điều tối thiểu nên làm là chắc chắn rằng không cam kết nào của chúng ta được sử dụng để gây hại cho các mục tiêu khí hậu”.
Bản chất của phục hồi kinh tế toàn cầu đang được định hình bằng các cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương G20, và bởi Ngân hàng Thế giới và IMF. Phần lớn viện trợ tài chính sơ bộ từ các chính phủ là các gói cứu hộ để ngăn chặn kinh tế sụp đổ ngay lập tức nhưng số tiền khổng lồ hơn mới là thứ làm nên sự phục hồi.
Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu và từng là đại sứ biến đổi khí hậu của Pháp khi Thỏa thuận chung Paris được ký năm 2015, chỉ rõ: “Chúng tôi biết tốc độ là rất cần thiết khi rất nhiều sinh mạng và sinh kế lâm nguy nhưng thật vô trách nhiệm khi cố ý đóng đinh vào những gì nhân loại đang chịu đựng bằng cách cho phép ô nhiễm nhiều hơn”.
Nhà kinh tế khí hậu Lord Stern thuộc Trường Kinh tế London cho biết: “Bản chất và định hình của lần phục hồi này sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Điều cốt yếu là [phục hồi] không trói chặt chúng ta vào những rủi ro lớn của biến đổi khí hậu”. Nhưng Stern cũng cho rằng quan trọng là phải phân biệt giữa các gói cứu hộ và các gói phục hồi, và không ngưng hỗ trợ cho công nhân trong những ngành phát thải carbon cao”.
Theo người sáng lập Bloomberg New Energy Finance Michael Liebrich, các hệ thống trong quá khứ đã khiến thế giới suy yếu từ trước dịch Covid-19. “Khi các chính phủ một lần nữa ném tiền vào nền kinh tế toàn cầu…, các doanh nghiệp dựa trên nhiên liệu hóa thạch không nên được cứu trợ mà không cam kết thực hiện các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học và không phát thải. Tiền không nên chảy vào các ngành đang phủ phê nhờ vào trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và các lỗ hổng thuế như ngành hàng không trừ khi họ chấp nhận cải tổ cơ cấu”.
Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho biết một số chính phủ – bao gồm cả Ấn Độ, Đức và Hy Lạp – đã gia hạn thời gian vận hành cho các nhà máy điện gió mới. “Tuy nhiên, cho đến nay chưa chính phủ nào đưa ra một cách rõ ràng các gói kích thích dành riêng cho điện gió và các loại năng lượng tái tạo khác. Nhiều nỗ lực ngoại giao làm trung gian cho thỏa thuận OPEC+ nhằm ổn định giá dầu nhưng cuộc thảo luận cần phải tiếp tục để đảm bảo rằng năng lượng tái tạo là trung tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế”.
Diễn trình phục hồi vẫn chưa được quyết định, theo Tom Burke, chủ tịch thinktank E3G. “Tôi nghĩ còn quá sớm để nói rằng các lĩnh vực gây ô nhiễm đang giành chiến thắng trong cuộc chiến giành tiền để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Có một số lực lượng chính trị mạnh thúc đẩy kế hoạch phục hồi xanh hơn”.
Timmermans khẳng định một xã hội bền vững là cách duy nhất để tạo ra sự tăng trưởng và việc làm lâu dài. Birol, người nhấn mạnh hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà cao tầng cùng công nghệ pin và hydro là những mục tiêu quan trọng, cũng nói rằng giá dầu thấp hiện tại là cơ hội để xóa bỏ khoản 400 tỷ đô la trợ cấp tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch mỗi năm để thúc đẩy ngân sách của chính phủ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ quan điểm rõ ràng về sự cần thiết phải xây dựng lại một nền kinh tế toàn cầu khác. “Mọi thứ chúng ta làm trong và sau cuộc khủng hoảng này phải tập trung mạnh mẽ vào xây dựng các nền kinh tế bình đẳng, toàn diện và bền vững hơn, và các xã hội kiên cường hơn khi đương đầu với đại dịch, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác mà chúng ta phải đối mặt”.
Thế Anh (Theo Guardian)