Giải pháp nới lỏng dự kiến được thực hiện để hoạt động cộng đồng, kinh tế xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số loại hình kinh doanh chưa được mở cửa trở lại.
Sau 1 tuần “an toàn”, Hà Nội đề xuất với Chính phủ đến ngày 22/4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục được kiểm soát thì có thể nghiên cứu nới lỏng giãn cách xã hội ở Thủ đô.
Sáng 21/4, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nếu kết quả chống dịch tiếp tục được duy trì, TP sẽ ra khỏi nhóm nguy cơ cao về dịch Covid-19, từng bước tiến hành nới lỏng giãn cách xã hội. Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ cân đối cho hoạt động cộng đồng, kinh tế – xã hội dần trở lại bình thường khi dịch được kiểm soát.
Sẽ cho mở lại nhiều hoạt động, cửa hàng kinh doanh
Thông tin thêm về việc triển khai các giải pháp nới lỏng giãn cách xã hội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết TP dự kiến cho các cửa hàng kinh doanh trở lại nhưng bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về phòng, chống dịch. Ví dụ, cửa hàng ăn uống phải đảm bảo khoảng cách trong cửa hàng, khách đến ăn không ngồi đối diện mà ngồi một chiều như một số nước đã áp dụng.
Ngoài ra, các khu di tích cũng có thể được mở cửa nhưng khách vào tham quan phải tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách tối thiểu, bắt buộc đeo khẩu trang.
Theo ông Chung, nếu tình hình dịch diễn biến tốt, thành phố sẽ cho học sinh THPT, có thể cả THCS và học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề, đi học trở lại vào đầu tháng 5.
Riêng với học sinh mầm non và tiểu học đi học sau đó 1 tuần để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tuy nhiên, các loại hình kinh doanh như quán bar, karaoke, cơ sở massage… chưa được mở cửa kinh doanh trở lại. Các sự kiện tôn giáo, văn hóa, thể thao tập trung đông người cũng chưa được tổ chức.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
“Ngay từ ban đầu, Hà Nội đã thực hiện song song mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, TP sẽ tập trung từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, vì không thể đóng cửa mãi. Song, TP xác định chưa thể chủ quan mà luôn chủ động các giải pháp, kịch bản trong phòng, chống dịch”, ông Chung nói.
Các loại hình kinh doanh như quán bar, karaoke, cơ sở massage… chưa được mở cửa kinh doanh trở lại. Các sự kiện tôn giáo, văn hóa, thể thao tập trung đông người cũng chưa được tổ chức
Về sản xuất, ông cho biết thời gian qua, các khu chợ trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động trên cơ sở đảm bảo các điều kiện phòng dịch, nhờ đó cung cấp đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân về thực phẩm, rau xanh. Người trồng rau không bị ế hàng.
Riêng người trồng hoa vừa qua gặp khó khăn do nhiều yếu tố, trong đó, nhu cầu tiêu thụ hoa giảm. Lãnh đạo thành phố đã đến khu trồng hoa lớn nhất ở Mê Linh để vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hay rau xanh…
Sau gần 1 tuần không có ca nhiễm mới, Chủ tịch Hà Nội nhận định công tác kiểm soát dịch đang được thực hiện tốt. Các ổ dịch lớn đã được kiểm soát với nhiều biện pháp quyết liệt; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch đã được thực hiện hiệu quả.
Dù muốn nới lỏng giãn cách xã hội trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ không có chuyện bỏ hết tất cả yêu cầu về cách ly. Những nơi có nguy cơ cao như các khu vực công cộng, các nơi từng là ổ dịch như ở huyện Mê Linh, Thường Tín tiếp tục phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ.
Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và thành phố coi đây là biện pháp bắt buộc.
“Chúng ta không được chủ quan để tránh việc tái nhiễm, hoặc lây nhiễm bởi có trường hợp ủ bệnh không có biểu hiện có thể lây bệnh trong cộng đồng”, ông Chung nói.
Ông yêu cầu Văn phòng UBND thành phố và Sở Y tế soạn văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương, sở, ngành thực hiện.
Với người dân, Chủ tịch UBND Hà Nội khuyến cáo “không nên vội vàng ra ngoài để phòng ngừa dịch cho bản thân và cho xã hội”.
Điều chỉnh nguy cơ với nhiều địa phương
Đồng tình với kiến nghị nới lỏng giãn cách xã hội của một số địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp Chính phủ ngày mai, 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ quyết định việc này. Dự kiến, Chính phủ điều chỉnh nguy cơ với nhiều địa phương và áp dụng nới lỏng nhiều giải pháp ở các địa phương đã an toàn.
Chỉ đạo chung của Chính phủ, theo ông Dũng, là vẫn chưa nới các chính sách nhập cảnh để ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài vào.
“Chủ trương của Chính phủ là ngăn chặn từ bên ngoài, giãn cách xã hội ở bên trong. Khi có ca nhiễm mới thì lập tức khoanh vùng, cách ly, dập dịch, không để hình thành và phát triển các ổ dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Khi tình hình dịch đã được kiểm soát, Chính phủ sẽ dần thực hiện giải pháp nới lỏng để đồng thời cho hoạt động cộng đồng, kinh tế xã hội trở lại bình thường.
Việc đi học lại của học sinh, theo ông Dũng, cũng cần tính toán theo hướng đảm bảo giãn cách xã hội trong trường, lớp; bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về phòng chống dịch như khử trùng lớp học, đảm bảo vệ sinh; tính toán quy mô lớp học; cho học sinh đeo khẩu trang; ăn trưa chia ca để đảm bảo giãn cách…
Chúng ta sẽ nới lỏng từng bước, từng giải pháp chứ không thể ngay lập tức mở toang cửa.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng |
Trong hoạt động vận tải công cộng, người phát ngôn Chính phủ cho biết sẽ dần cho hình thức này hoạt động trở lại nhưng phải tính toán, ví dụ đảm bảo lượng khách trên mỗi chuyến xe.
Việt Nam cũng tính cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào để thực hiện đầu tư nhưng trước khi họ ra hoạt động tại cộng đồng thì phải cách ly.
Riêng với các hoạt động cộng đồng như lễ hội, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thì chưa được mở lại. Các chương trình hòa nhạc, ca nhạc, thể thao cần dừng, chờ một thời gian nữa để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
“Chúng ta sẽ nới lỏng từng bước, từng giải pháp chứ không thể ngay lập tức mở toang cửa, bỏ hết các giải pháp chống dịch cùng lúc”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chính phủ chủ động tính toán để dần phục hồi kinh tế
Ngoài đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã chủ động tính toán để dần phục hồi kinh tế. Theo đó, Chính phủ căn cứ trên 3 tiêu chí: Tình hình dịch tễ; khả năng đáp ứng của hạ tầng cơ sở y tế và khả năng giám sát dịch bệnh. Nếu cả 3 khả năng này đảm bảo thì có thể nới dần các giải pháp, chỉ đạo đã ban hành. “Trong thời điểm này, nới lỏng là cần thiết vì cần tranh thủ phục hồi kinh tế, xã hội”, ông Dũng nói. Ông đánh giá nhiệm vụ phục hồi kinh tế cũng rất khó khăn vì thời gian qua bị tác động, cắt khúc, gián đoạn bởi dịch bệnh. Trước mắt, cần phát huy nền kinh tế nội tại, tập trung cho nông nghiệp và những sản phẩm có ưu thế trong nước. |