Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York mất 55,90 USD, xuống còn -37,63 USD/thùng. Đây là mức kỷ lục của giá dầu kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983.
Trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, giữa bối cảnh tình trạng dôi dư nguồn cung tiếp tục trầm trọng do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York mất 55,90 USD (tương đương 306%), xuống còn -37,63 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI đã hết hạn vào cuối phiên ngày 20/4.
Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy, sau khi có thời điểm giữa phiên giảm chỉ còn -40,32 USD/thùng.
Giá dầu WTI giao tháng 6/2020 hạ 4,60 USD (tương đương 18,3%) xuống 20,03 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 cũng lùi 2,51 USD (9%), xuống còn 25,57 USD/thùng. Theo các chuyên gia phân tích, dầu Brent được vận chuyển bằng đường biển nhiều hơn dầu WTI, vốn thường được vận chuyển thông qua đường ống dẫn, bởi vậy giá dầu này phần nào ít chịu tác động ngay lập tức bởi những lo ngại về lượng dự trữ dồi dào.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, nhận định diễn biến của thị trường năng lượng hiện nay là điều “khó tin”, việc đóng cửa hoặc thậm chí phá sản bây giờ có thể còn đỡ thiệt hại hơn đối với một số nhà khai thác.
Các nhà tinh chế dầu mỏ đang mua vào ít dầu thô hơn bình thường, vì vậy hàng trăm triệu thùng dầu đang phải chứa trong các kho dự trữ trên toàn thế giới. Các thương nhân phải thuê tàu chỉ để neo chúng lại và đổ đầy dầu thừa. Lần đầu tiên trong lịch sử, 160 triệu thùng dầu đang chứa trong các tàu chở dầu trên khắp thế giới để chờ được trút ra.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, kho cảng phân phối dầu thô Mỹ, đã tăng 9% trong tuần kết thúc ngày 17/4, lên 61 triệu thùng.
Sự chênh lệch giữa giá dầu giao tháng Năm và tháng Sáu tại một thời điểm đã mở rộng đến 60,76 USD/thùng, mức chênh lệch lớn nhất trong lịch sử của hai hợp đồng dầu hàng tháng liền nhau.
Dữ liệu kinh tế yếu kém trên toàn cầu cũng gây áp lực lên giá dầu mỏ. Nền kinh tế Đức đang trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng và sự phục hồi dường như không thể diễn ra nhanh chóng do các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 có thể tồn tại trong một thời gian dài. Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong gần bốn năm trong tháng 3/2020.
Các báo cáo hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đánh dấu khoảng thời gian nhu cầu dầu thô giảm mạnh, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt đã đạt được một thỏa thuận lịch sử để cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày, trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, qua đó ổn định giá dầu đang biến động.
Ngoài việc OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng, nhiều khả năng vào ngày 21/4, Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas, cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang này, có thể hành động để hạn chế sản lượng trong khu vực.
Các báo cáo cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách đề nghị trả tiền cho các nhà sản xuất để kìm hãm sản xuất dầu thô.