Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác quản lý và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, góp phần phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo, mầm bệnh từ nhiều loài động vật có thể lây lan sang người, trong đó, bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người có nguồn gốc từ động vật hoang dã chiếm khoảng 70%. Các đại dịch xảy ra trên thế giới như Ebola, H5N1, SARS, HIV… là những minh chứng rõ nét cho cảnh báo trên. Đặc biệt, dịch Covid-19 hiện nay đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ động vật hoang dã.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Theo đó, các cơ quan liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã.
Là làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn hổ mang, hiện nay, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường là địa phương có số hộ gây nuôi động vật hoang dã nhiều nhất tỉnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 cho là có liên quan tới động vật hoang dã, chính quyền địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chặn đứng mọi nguồn phát sinh dịch bệnh.
Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như những mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiếp xúc với động vật hoang dã. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của xã tăng cường kiểm tra, rà soát các hộ nuôi rắn trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện ổ dịch ở động vật hoang dã có khả năng lây sang người.
Đồng thời, chỉ đạo cán bộ thú y thành lập tổ phun thuốc khử trùng chuồng trại cho 100% hộ nuôi rắn trên địa bàn xã; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động làm tốt công tác kiểm dịch, khử trùng thường xuyên.
Gia đình anh Hạ Văn Trị, ở thôn 4 hiện đang nuôi 5 nghìn con rắn hổ mang. Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời của các ngành chức năng, anh và các thành viên trong gia đình hiểu được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã, từ đó, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Hiện, gia đình anh Trị tiến hành phun khử trùng chuồng trại 3 lần/tuần và hạn chế việc tiếp xúc với vật nuôi. Trong trường hợp phải tiếp xúc với vật nuôi, các thành viên trong gia đình đều đeo găng tay và khẩu trang y tế.
Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Triệu Thiết Thực cho biết: “Hiện, trên địa bàn tỉnh có 450 tổ chức, hộ được cấp mã số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Trong đó, chủ yếu là các loài rắn hổ mang, cầy, nhím, dúi… Không chủ quan trước những nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh, thời gian qua, chi cục thường xuyên tiến hành kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh có sử dụng sản phẩm là động vật hoang dã nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán, tiêu thụ trái phép.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các cơ sở bảo tồn, gây nuôi động vật hoang dã làm tốt công tác kiểm dịch, khử trùng; tuyên truyền, nhắc nhở người nuôi hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm để kịp thời xử lý trong mọi tình huống”.
Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân nếu phát hiện động vật hoang dã mắc các bệnh truyền nhiễm cần báo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh, nhất là đối với động vật có dấu hiệu mang virus corona chủng mới (Covid-19), H5N1.