Ngày càng nhiều quốc gia có thể vỡ nợ trong 12-18 tháng tới khi các chính phủ trên toàn cầu tăng chi tiêu để hạn chế thiệt hại từ đại dịch COVID-19.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhận thấy một số vấn đề ở đó. Thật vậy, chúng ta có thể thấy cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro quay trở lại và các quốc gia như Hy Lạp hoặc Ý có khả năng là trung tâm của điều đó”, ông Simon Baptist, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Công ty Tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết trong chương trình Capital Connection của CNBC.
“Trong thế giới của thị trường mới nổi, Nam Phi và Brazil là những nước có khả năng khủng hoảng hơn nữa do đại dịch này. Và dĩ nhiên, Argentina đã trở lại tình trạng vỡ nợ công rồi”, ông nói thêm.
Đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 2 triệu người trên toàn cầu, đồng thời buộc các chính phủ phải đưa ra những hành động chưa từng có tiền lệ để phong tỏa toàn bộ các quốc gia hoặc các thành phố. Kết quả là làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế của thế giới.
Ngày 13.04, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ bị suy giảm 3% trong năm nay – so với dự báo trước đó là tăng trưởng 3,3%.
Nhiều chính phủ đã công bố các gói kích thích lớn để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó một số quốc gia đang vay thêm để tài trợ cho các khoản chi tiêu đó. Đáng chú ý, Mỹ tăng phát hành trái phiếu kho bạc, trong khi Đức, quốc gia thường bảo thủ về mặt tài khóa, đưa ra kế hoạch tăng khoản vay lên tới 150 tỉ euro (tương đương 164,4 tỉ USD).
Tuy nhiên, ông Baptist cho rằng không phải tất cả chính phủ đều có thể nhận được nguồn tài trợ mà họ mong muốn. Cụ thể, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế cho họ vay nhiều tiền hơn trong bối cảnh nhà đầu tư đang tìm kiếm những nơi an toàn hơn để trú ẩn.
“Nhiều thị trường mới nổi hiện phụ thuộc vào các nhà đầu tư quốc tế và dòng tài chính nước ngoài để có được nguồn tiền nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách. Họ thấy khó vay bằng đồng nội tệ hơn, dù có một vài trường hợp ngoại lệ”, vị chuyên gia kinh tế này cho biết.
“Ở thời khắc này, khi mà tâm lý né tránh rủi ro bao trùm các thị trường quốc tế, mặc dù một số chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi muốn chi tiêu nhiều hơn nhưng họ không thể có được nguồn tiền họ cần”.
IMF: Kinh tế toàn cầu năm nay có thể tệ nhất gần một thế kỷ
“Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020” IMF vừa đưa ra dự đoán, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi một phần vào năm 2021, với tăng trưởng 5,8%. Nhưng tổ chức này cũng cảnh báo, dự đoán là không chắc chắn bởi kết quả vẫn có thể tệ hơn, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch.
“Sự phục hồi trong năm 2021 chỉ là một phần, vì mức độ hoạt động của nền kinh tế có thể vẫn duy trì thấp hơn mức đã được dự báo trước khi có đại dịch”, Gita Gopinath, Nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết. Theo kịch bản tốt nhất, thế giới có khả năng mất 9.000 tỉ USD tổng sản lượng trong hai năm, lớn hơn GDP của Đức và Nhật Bản cộng lại.
Tuy nhiên, nếu đại dịch kéo dài qua quý III thì có thể gây ra suy giảm thêm 3% cho năm 2020 và khả năng phục hồi vào năm 2021 cũng chậm hơn, do ảnh hưởng từ phá sản và thất nghiệp kéo dài. Trường hợp có một đợt bùng phát thứ hai vào năm 2021, buộc phải ngừng hoạt động nhiều hơn, có thể làm giảm 5 đến 8 điểm phần trăm trong dự báo cơ sở GDP toàn cầu cho năm đó, khiến thế giới suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp.
“Rất có khả năng năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, vượt qua những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước”, IMF nhận định trong báo cáo, “Cuộc Đại phong tỏa”, dự kiến kéo giảm đáng kể tăng trưởng toàn cầu”.
Nguồn CNBC