Số liệu cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính đến 5h45 sáng 19/4, thế giới đã có 160.434 ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo cập nhật mới nhất về dịch COVID-19 trên trang worldometers.info, đến 5h45 ngày 19/4 (giờ Việt Nam), thế giới có thêm 75.686 ca mắc mới COVID-19 và 6.289 ca tử vong so với sáng qua.
Như vậy, tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới đã lên tới 2.324.731 ca, trong đó có 160.434 ca tử vong.
Số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch đang điều trị tại các cơ sở y tế là 55.218 người, chiếm 4% tổng số bệnh nhân đang được điều trị. Số người đã bình phục là 595.467 người.
Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tại Việt Nam, đến 6h ngày 19/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV. Tổng số ca nhiễm 268, trong đó 201 người đã khỏi bệnh.
Như vậy, ba ngày qua không thêm ca nhiễm mới, 30 người xuất viện.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA
*Mỹ muốn mở cửa lại nền kinh tế dù đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch bệnh lần lượt là hơn 710.200 và hơn 37.100 ca.
Dù dịch bệnh chưa thực sự được chế ngự một cách vững chắc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố các chuyên gia tin rằng những bang hiện có đủ xét nghiệm virus sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn mở cửa lại nền kinh tế trong giai đoạn 1 và có thể triển khai giai giai đoạn này nếu như họ muốn.
Tại Mỹ, làn sóng biểu tình yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đang lan rộng trên nhiều bang. Những người biểu tình đề nghị chính quyền các bang dỡ bỏ lệnh đóng cửa doanh nghiệp và các địa điểm công cộng càng sớm càng tốt do họ đang phải gánh chịu hậu quả từ việc đóng cửa nền kinh tế trên cả nước.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ do chính thống đốc bang thực hiện và sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết New York cần có sự hỗ trợ của chính quyền liên bang để có thể tổ chức xét nghiệm trên diện rộng và mở cửa lại các hoạt động kinh tế tại tiểu bang.
Trong ngày 17/4, New York đã ghi nhận thêm 630 ca tử vong, nhiều hơn 24 ca so với ngày hôm trước. Số bệnh nhân nhập viện tại bang đã giảm hơn 1.500 ca kể từ đầu tuần tới nay và hiện số người đang điều trị tại viện là 17.316 người. Số người nhập viện trung bình trong 3 ngày qua cũng giảm tới gần 3% mặc dù mỗi ngày vẫn có khoảng gần 2000 ca nhập viện mới.
Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, bang New Jersey-bang chịu ảnh hưởng nặng nề sau bang New York thông báo sẽ bắt đầu cấp giấy phép khẩn cấp tạm thời cho các bác sĩ người nước ngoài.
*Thử nghiệm thuốc remdesivir trên khỉ và trên người mắc COVID-19 đạt hiệu quả
Các nhà khoa học Mỹ ngày 17/4 thông báo thuốc thử nghiệm kháng virus remdesivir đã cho thấy tính hiệu quả trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau quá trình thử nghiệm quy mô nhỏ trên khỉ.
Kết quả cho thấy, nhóm được tiếp nhận thuốc điều trị có dấu hiệu phục hồi đáng kể 12 giờ sau khi tiêm liều đầu tiên. Chiều hướng này vẫn tiếp tục được duy trì trong nghiên cứu kéo dài một tuần của các nhà khoa học.
Số lượng virus SARS-CoV-2 trong phổi của nhóm được tiêm remdesivir thấp hơn đáng kể so với nhóm không được tiêm.
Remdesivir là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và các cuộc thử nghiệm lâm sàng có liên quan loại thuốc này đang cho thấy những kết quả đáng kể.
Hiện thuốc kháng virus remdesivir được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố Chicago và bang Illinois và đã cho kết quả khả quan khi giúp làm giảm sốt cũng như các triệu chứng hô hấp trong vòng 1 tuần.
*Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tại Châu Âu: Tổng số ca tử vong vượt ngưỡng 100.000
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), tính đến 18h00 giờ GMT ngày 18/4 (tức 1h00 ngày 19/4 theo giờ Việt Nam), dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã cướp đi sinh mạng hơn 100.000 người tại châu Âu, chiếm gần 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Với 100.501 ca tử vong trên tổng số 1.136.672 ca nhiễm SARS-CoV-2, châu Âu đã trở thành lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, căn bệnh đến nay đã khiến 157.163 người tử vong trên toàn cầu.
Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Phong toả mang lại hiệu quả khoanh vùng dập dịch tại Italy.
Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 175.925 trường hợp. Trong đó, tổng số ca tử vong là 23.227 trường hợp (tăng 482 ca) và số ca hồi phục là 44.927 ca (tăng 2.220 ca).
Vùng tâm dịch Lombardy ghi nhận số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm, với 947 trường hợp (giảm 24 ca). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 65.381 người (tăng 1.246 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 12.050 ca (tăng 199 trường hợp) và số ca hồi phục là 42.342 trường hợp (tăng 1.629 ca).
Tây Ban Nha thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đã áp đặt từ ngày 14/3 trên tòa quốc đến ngày 9/5 tới. Đến nay, nước này đã ghi nhận tới 191.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 20.043 ca tử vong.
Pháp ngày 18/4 đã ghi nhận thêm 642 ca tử vong tại các bệnh viện và các bệnh xá trong 24 giờ qua. Con số này thể hiện mức giảm mới trong tổng số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc tích cực.
Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của nước này là 151.793, trong đó có 35.983 bệnh nhân bình phục và 5.833 đang trong tình trạng nguy kịch.
Pháp cũng thử nghiệm cách ly bệnh nhân COVID-19 trong khách sạn với sự hỗ trợ của tập đoàn Accor, nhằm mục đích phá vỡ các chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mang tên “Covisan”, hệ thống này dành cho bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định và chưa đến mức phải nhập viện. Biện pháp này nhằm tránh bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, trong khi giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa đang được lên kế hoạch dự kiến từ ngày 11/5.
Tại châu Âu, diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Anh khi quốc gia này ghi nhận thêm 5.525 ca mắc mới và 888 ca tử vong vì dịch bệnh.
Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chính thức đề nghị hủy các sự kiện đặc biệt tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của bà, dự kiến vào ngày 21/4 tới, cũng như sẽ lần đầu tiên trong 68 năm trị vì của Nữ hoàng không có bắn đại bác chào mừng.
Theo sau Anh là Nga cũng ghi nhận thêm 4.785 ca mắc mới nhưng số ca tử vong vẫn đang được kiểm soát tốt hơn các quốc gia châu Âu khác với số ca tử vong mới là 40 ca. Thủ đô Moskva, nơi chịu tác động mạnh của dịch bệnh, tuyên bố đã sử dụng camera giao thông để giám sát thực thi chế độ cách ly.
Các hạn chế tạm thời sẽ được kéo dài đến ngày 1/5 và Moskva sẽ mở rộng chương trình cấp thuốc miễn phí cho người dân có biểu hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 18/4, Tổng thống Vladimir Putin đã ký Sắc lệch “Về các biện pháp tạm thời liên quan đến việc xử lý tình trạng pháp lý của công dân nước ngoài và người không quốc tịch tại LB Nga”.
Sắc lệnh cho phép người sử dụng lao động và nhà thầu các công trình/dịch vụ được tiếp nhận và sử dụng người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động tại Nga. Điều kiện đi kèm là người sử dụng lao động và nhà thầu các công trình/dịch vụ phải có giấy phép thu hút và sử dụng lao động nước ngoài.
Sắc lệnh cũng cho phép gia hạn hiệu với các loại giấy tờ: thị thực, giấy phép tạm trú, giấy phép cư trú, thẻ di trú có ngày hết hạn được đóng dấu trong đó, giấy chứng nhận người tị nạn, giấy chứng nhận đơn xin tình trạng tị nạn lãnh thổ của LB Nga, giấy phép lao động, giấy phép thu hút và sử dụng lao động nước ngoài…
*Trung Quốc ban hành quy định quản lý y tế với người rời khỏi Vũ Hán
Tính đến ngày 18/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 1.566 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là người từ nước ngoài đến nước này. Trong đó, có 709 đã được xuất viện, 857 hiện đang được điều trị, trong đó có 47 trường hợp đang phải điều trị tích cực. Cho đến nay, Trung Quốc chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào là các ca nhiễm từ nước ngoài.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019 đến nay, tổng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đại lục là 82.719 ca. Hiện còn 1.058 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, 77.029 người khỏi bệnh xuất viện và 4.632 người tử vong trong đại dịch này.
Theo NHC, hiện tổng số trường hợp nghi ngờ nhiễm virus là 63 ca, trong đó có 58 ca từ nước ngoài. Ngoài ra, hiện có 8.893 ca có tiếp xúc xúc người bệnh đang được theo dõi tình hình sức khỏe.
Dù đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Theo đó, Trung Quốc kiểm tra toàn diện đối với những đối tượng cơ bản và sẵn sàng kiểm tra nếu có yêu cầu đối với những nhóm đối tượng khác trước khi rời Vũ Hán, và phân loại rõ những người đã qua và chưa qua kiểm tra trước khi rời thành phố.
Tại các vùng lãnh thổ của Trung Quốc, tính đến ngày 18/4, có 1.021 trường hợp nhiễm virus và 4 ca tử vong tại Hong Kong, 45 ca nhiễm tại Macao và 395 ca tại Đài Loan, trong đó có 6 ca tử vong.
*Hàn Quốc có số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất trong 2 tháng
Ngày 18/4, Hàn Quốc thông báo thêm 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới hàng ngày thấp nhất trong hai tháng qua.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tới nay quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.653 ca mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/2 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới con số 20.
Trong 5 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày duy trì dưới mức 30. Số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất là 909 ca được ghi nhận ngày 29/2 nhưng tới nay quốc gia này đã nỗ lực để giảm dần tốc độ lây nhiễm với các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
KCDC cũng xác nhận số lượng người có kết quả xét nghiệm tái nhiễm virus SARS-CoV-2 đã có 165 ca, chủ yếu ở độ tuổi 20 và 50. Đây là những người đã được điều trị hoàn toàn bình phục sau khi bị nhiễm lần đầu và được gỡ bỏ cách ly nhưng lại có kết quả dương tính khi được xét nghiệm lại. Các trường hợp này chủ yếu là những người tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang vốn được coi là hai “tâm dịch” của Hàn Quốc.
Hiện số lượng người nhập cảnh Hàn Quốc cũng giảm mạnh sau khi chính phủ đình chỉ hiệu lực visa ngắn hạn từ ngày 13/4 vừa qua. Hiện số lượng người nhập cảnh chỉ dừng ở mốc 3.000-4.000 người/ngày, giảm mạnh so với mức 7.000 người/ngày hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Hàn Quốc cũng đã điều chỉnh khung giờ khuya cho các chuyến bay quốc tế xuống sân bay Incheon từ 20 giờ đến 7 giờ ngày hôm sau (giờ địa phương) thành từ 5 giờ tới 20 giờ cùng ngày để hành khách có thể sử dụng tàu cao tốc (KTX) và xe buýt sân bay.
*Nhật Bản: Số ca mắc COVID-19 đã tăng lên thành 10.000 người
Nhật Bản đã mở rộng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu người dân ở yên trong nhà trong bối cảnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng lên mức kỷ lục tại thủ đô Tokyo và gia tăng lo ngại các dịch vụ y tế có thể “quá tải” ở khu vực nông thôn, nơi chủ yếu là người già sinh sống.
Hiện Nhật Bản ghi nhận 200 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 và Tokyo vẫn là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 201 ca nhiễm mới chỉ tính riêng trong ngày 17/4 – một mức kỷ lục mới – trong khi con số đó trong ngày 18/4 là 181 ca
*Tín hiệu khả quan về dịch COVID-19 tại nhiều nước
Tại điểm nóng dịch bệnh của Trung Đông là Iran, trong 24 giờ qua, nước này chỉ có thêm 73 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 5.031 người.
Đây là con số tử vong trong ngày thấp nhất trong nhiều ngày qua tại Iran, một trong những nước có số bệnh nhân tử vong cao nhất thế giới.
Tại Thái Lan, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 hiện là 1,7%, thấp hơn 4 lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu, trong khi khi tỷ lệ bình phục là 62,5%. Hiện tình hình COVID-19 ở Thái Lan đang được cải thiện vì số lượng các ca nhiễm mới đang trong xu hướng giảm và không có các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài tới nhờ các biện pháp hạn chế chuyến bay tới nước này được áp dụng từ đầu tháng Tư.
Malaysia cũng công bố thêm 54 ca nhiễm mới trong ngày 18/4 – mức tăng thấp nhất trong ngày ở nước này kể từ khi chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ngày 18/3 vừa qua.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số ca mắc mới COVID-19 tại Singapore đã tăng thêm 942 trường hợp trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng hàng ngày cao kỷ lục ở ASEAN, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 5.992 người.
Đa số các ca nhiễm mới đều là những lao động nước ngoài hợp pháp. Hiện giới chức y tế Singapore đang tăng cường xét nghiệm để phát hiện người nhiễm bệnh tại các khu nhà ở dành cho lao động nước này.
Indonesia cũng thông báo thêm 325 ca nhiễm mới trong ngày 18/4, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên 6.248 ca trong khi tổng số ca tử vong cũng tăng lên 535 ca sau khi ghi nhận thêm 15 ca tử vong trong ngày.
Hiện Indonesia đứng đầu ASEAN về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và cũng là quốc gia châu Á có số tử vong cao nhất, không tính tâm dịch Trung Quốc.