Reuters mới đây đưa tin, dựa trên một tài liệu dự thảo tiếp cận được, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trì hoãn một số chính sách về khí hậu trong đề xuất “Thỏa thuận Xanh” do đại dịch COVID-19.
Nhưng mốc thời gian công bố mục tiêu phát thải mới vào năm 2030 là không thay đổi.
Cú sốc kinh tế và đại dịch COVID-19 đã buộc ban điều hành của Liên minh châu Âu (EU) phải xem xét lại kế hoạch của mình vào năm 2020.
Theo bản dự thảo, các sáng kiến bao gồm kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học và cải cách để giúp ngành nông nghiệp châu Âu bền vững hơn, vốn dự kiến được công bố vào ngày 29/4, có thể bị trì hoãn cho đến cuối năm 2020.
Dự thảo cũng cho biết Kế hoạch nông nghiệp bền vững nhiều khả năng cần phải được xây dựng lại nếu EC thay đổi đề xuất cho ngân sách EU từ năm 2021-2027 trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Những cải cách giúp cho các ngành vận tải và hóa chất bền vững hơn cũng có thể được đẩy lùi vào cuối năm nay.
Trong khi đó, các kế hoạch giúp EU thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện quản lý rừng bền vững và cung cấp cho người tiêu dùng thông tin cụ thể hơn về hoạt động tái chế và sửa chữa sản phẩm điện tử sẽ được lùi đến năm 2021.
Tuy nhiên, bản dự thảo nói rằng các chính sách khí hậu cấp bách nhất của EU sẽ không bị trì hoãn. Chúng bao gồm một kế hoạch đề xuất mục tiêu khí hậu mới cho khối này vào năm 2030 đầy tham vọng hơn, dự kiến sẽ được công bố vào tháng Chín.
Theo dự thảo, bản sửa đổi của mục tiêu trên là một “yếu tố then chốt” trong chính sách khí hậu EU.
Một chiến lược tài chính bền vững của EU cũng sẽ không bị trì hoãn kế hoạch công bố sau kỳ nghỉ Hè ở châu Âu.
Dự thảo cho biết thêm chính sách này có thể giúp đảm bảo kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng của EU phù hợp với các mục tiêu khí hậu của khối.
Trước đại dịch, EU đã chịu áp lực phải công bố một mục tiêu khí hậu mới vào năm 2030 tại một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotlandthuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020. Nhưng sự kiện này đã bị trì hoãn đến năm 2021.
Theo giới quan sát, EU cần khuyến khích các mức cắt giảm khí thải nhiều hơn trong thập kỷ tới để đưa khối này đi đúng hướng với tầm nhìn “Thỏa thuận Xanh” rằng đến năm 2050, các nước EU sẽ không thải ra nhiều khí nhà kính hơn mức có thể hấp thụ.
H.Thủy (Theo Reuters)