IFC sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật mở rộng xuất khẩu những loại trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, như thanh long và chanh dây (chanh leo)
Ngày 16-4, tại Hà Nội, IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây chất lượng cao của Việt Nam, giúp tăng thu nhập cho nông dân.
Theo thỏa thuận, trong 4 năm tới, IFC sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cải thiện khung pháp lý và các dịch vụ công để mở cửa các thị trường xuất khẩu mới cho 2 loại trái cây chủ lực của Việt Nam là thanh long và chanh dây.
Hai bên cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm của thanh long và chanh dây bằng cách cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khi thuế không còn là rào cản thương mại do các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, việc đáp ứng yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật là vô cùng quan trọng để nông sản Việt Nam có thể thâm nhập thị trường xuất khẩu. “Việc hợp tác với IFC sẽ hỗ trợ thúc đẩy những nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu. Và sự thành công của dự án này sẽ là cơ sở để mở rộng áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp khác” – ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Trên cơ sở hợp tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Tín thác Tăng trưởng Xanh Hàn Quốc trực thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC sẽ hỗ trợ triển khai một hệ thống trực tuyến về các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu thanh long và chanh dây vào năm 2022. Dịch vụ hạ tầng chất lượng cũng sẽ được cải thiện để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Những dịch vụ này bao gồm xây dựng tiêu chuẩn, kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn cho các sản phẩm thanh long và chanh dây tươi và chế biến để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
“Tiếp cận các thị trường mới và đa dạng không chỉ giúp tăng doanh thu xuất khẩu và mở rộng sản xuất, mà còn cải thiện khả năng chống chịu của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trước những sụt giảm đột ngột về nhu cầu ở một số thị trường do các cuộc khủng hoảng gây ra, như đại dịch Covid-19 hiện nay” – ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ.
Ngành rau quả Việt Nam những năm qua đã có sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2018 – 2019 đạt hơn 3,5 tỉ USD/năm. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch như bảo quản, chế biến còn hạn chế. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sản phẩm được xuất khẩu qua các kênh không chính thức với mức giá kém cạnh tranh. Hiện Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần của rau quả Việt Nam nhưng thiếu ổn định khiến nhiều mặt hàng rau quả phải kêu gọi “giải cứu” khi xuất khẩu gặp trục trặc.