Nếu các nước không đạt được những mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris, kinh tế toàn cầu sẽ mất tới 126.000-616.000 tỷ USD vào cuối thế kỷ này.
Một bài phân tích mới đây đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications cho biết việc các quốc gia không thực hiện cam kết cắt giảm khí thải mạnh mẽ được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu tới 600.000 tỷ USD trong thế kỷ này.
Theo thỏa thuận mang tính bước ngoặt hồi năm 2015, các quốc gia cam kết sẽ tự nguyện giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm duy trì mức nhiệt độ toàn cầu tăng thêm dưới 2 độ C.
Thỏa thuận cũng sẽ hướng các quốc gia tới mức tăng nhiệt độ an toàn hơn là 1,5 độ C thông qua các kế hoạch giảm phát thải riêng lẻ được gọi là NDC.
Trong bài viết trên tạp chí Nature Communications, một nhóm chuyên gia khí hậu quốc tế đã mô phỏng chi phí của nhiều kịch bản khác nhau về hợp tác giữa các quốc gia trên toàn cầu.
Họ đã xem xét các khía cạnh như ngưỡng nhiệt tăng lên, chi phí cho công nghệ carbon thấp, thiệt hại do biến đổi khí hậu và ý tưởng về việc các quốc gia “chia sẻ công bằng” trong việc khắc phục vấn đề.
Nhóm nghiên cứu từ đó có thể định lượng được mức lợi ích ròng mà nền kinh tế toàn cầu có thể đạt được trong mỗi kịch bản khác nhau.
Họ phát hiện ra rằng kinh tế thế giới sẽ kiếm được 336.000-422.000 tỷ USD vào năm 2100 nếu các nước hành động để giữ ngưỡng tăng nhiệt lần lượt ở mức 2 độ C và 1,5 độ C.
Nhưng nếu các nước không đạt được những mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris, kinh tế toàn cầu sẽ mất tới 126.000-616.000 tỷ USD vào cuối thế kỷ này.
Với việc Mỹ chuẩn bị rời khỏi Hiệp định Paris trong năm nay, các nhà nghiên cứu cũng xem xét chi phí của những quốc gia không tuân theo các cam kết NDC hiện tại của họ.
Khoản thiệt hại này dao động trong khoảng từ 150.000-790.000 tỷ USD, gấp 7,5 lần tổng GDP toàn cầu hiện tại.
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Biying Yu thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết nếu mỗi quốc gia hoặc khu vực có thể tăng cường đáng kể các hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mục tiêu 1,5 độ C là hoàn toàn khả thi.
Nhưng việc thực hiện chiến lược như vậy đòi hỏi các quốc gia phải nhận ra quy mô ảnh hưởng của quá trình nóng lên toàn cầu và tạo ra những bước đột phá trong các công nghệ carbon thấp.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy nếu không có khoản đầu tư ngay lập tức, lượng khí thải sẽ không thể giảm và thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ xảy ra với tần suất cao hơn, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn hơn.
Theo nghiên cứu, thế giới sẽ cần từ 18.000-113.000 tỷ USD đầu tư cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu để có thể “hòa vốn.”
Hơn 90% trong số tiền đầu tư này nên đến từ các quốc gia thuộc Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).