Ứng dụng hiệu quả flycam trong quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã

Việc sử dụng thiết bị bay flycam có hiệu quả rất cao, các cán bộ kiểm lâm có thể quan sát được diện tích rộng, đặc biệt là ở những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở.

Đồng Nai có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, với gần 198.000 ha. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Là địa phương có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên thời gian qua, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ (thiết bị bay flycam) trong việc quản lý và bảo vệ rừng, Đồng Nai đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy và bảo vệ động vật hoang dã, nguồn tài nguyên của quốc gia.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, đây là địa phương có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, với gần 198.000 ha, trong đó có hơn 123.000 ha rừng tự nhiên và gần 49.000 ha rừng trồng. Hiện đang trong đợt cao điểm mùa khô nên hầu hết diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Riêng trong tháng 3/2020, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã phát hiện hơn 1.000 điểm cháy xảy ra, nhờ sử dụng thiết bị bay flycam nên lực lượng chức năng đã sớm phát hiện và kịp thời khống chế.

Các thiết bị flycam có thể bay cao tối đa 500 m, bán kính quan sát 8 km, giúp lực lượng kiểm lâm quan sát bao quát góc rộng từ trên cao. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Từ tháng 1/2019 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã cấp phát thiết bị bay flycam cho 4 đơn vị trong tỉnh gồm Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Đội kiểm lâm cơ động cùng Trạm kiểm lâm của 2 huyện Định Quán và Vĩnh Cửu với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và các loại động vật hoang dã. Ngoài ra, Chi cục cũng cấp phát cho các đơn vị một số phương tiện khác như máy quay phim, máy chụp ảnh, ống nhòm ngày và đêm cùng các dụng cụ đi rừng…

Theo ông Nguyễn Ngọc Phượng, Phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, các thiết bị flycam có thể bay cao tối đa 500 m, bán kính quan sát 8 km, giúp lực lượng kiểm lâm quan sát bao quát góc rộng từ trên cao. Thiết bị này rất có ích cho lực lượng kiểm lâm trong việc phát hiện các đám cháy, hoạt động chặt phá rừng, bảo vệ nguồn động vật hoang dã và đặc biệt sẽ giúp giảm sức lao động của lực lượng kiểm lâm.

Ông Đoàn Văn Đại, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Cốp (ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, trạm được cấp và sử dụng thiết bị bay flycam đã giúp giải phóng được nhiều sức lao động của những người bảo vệ rừng. Trước đây, các cán bộ kiểm lâm thực hiện việc tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ xuyên rừng, 1 giờ đồng hồ chỉ có thể đi được khoảng 4 km. Trong khi hiện nay, với thiết bị bay flycam, chỉ cần bay 20 phút là có thể bao quát toàn bộ cánh rừng, lực lượng kiểm lâm chỉ cần ngồi ở trung tâm theo dõi hình ảnh được truyền về từ thiết bị.

“Nếu phát hiện các điểm cháy rừng hoặc lâm tặc đang phá hoại rừng, hoặc có nghi ngờ về quản lý và bảo vệ rừng thì chúng tôi có thể cho bay thấp xuống và chụp ảnh, sau đó phân tích xác định vị trí và đến thẳng chỗ đó kiểm tra để khắc phục sự cố hoặc bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi phá hoại rừng”, ông Đoàn Văn Đại cho biết thêm.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ flycam trong quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, trước mắt mục tiêu chủ yếu của việc trang bị thiết bị bay flycam là phòng chống cháy rừng và quản lý các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voi rừng. Trong tương lai có thể trang bị thêm nhằm phòng chống chặt phá rừng, chống lâm tặc và theo dõi diễn biến rừng.

“Việc sử dụng thiết bị bay flycam có hiệu quả rất cao, các cán bộ kiểm lâm có thể quan sát được diện tích rộng, đặc biệt là ở những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, dù khó khăn cho việc đi lại thì cũng có thể dùng thiết bị bay này để tiếp cận được. Như vậy, việc sử dụng thiết bị này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc trước đây chúng tôi phải đi thành đoàn tổ chức tuần tra, kiểm tra mới phát hiện”, ông Lê Việt Dũng nhấn mạnh.

Hơn một năm qua, tại Đồng Nai, việc sử dụng thiết bị bay flycam trong quản lý và bảo vệ rừng, việc phát hiện, khoanh vùng các đám cháy rừng được các cán bộ kiểm lâm thực hiện rất hiệu quả, đặc biệt là những nơi có địa hình hiểm trở khó tiếp cận. Điều này góp phần bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên rừng và các giá trị về đa dạng sinh học.

Nguồn: