Mỹ có khả năng đã chạm đỉnh, tranh cãi chuyện mở cửa kinh tế. Nga diễn biến xấu, ông Putin lên tiếng trấn an. Pháp kéo dài phong tỏa thêm một tháng.
Tính đến 6 giờ sáng 15-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận trên toàn cầu có 126.062 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 1.992.152 ca nhiễm.
Như vậy, so với ngày 14-4, số ca tử vong tăng 5.205 người, số ca nhiễm tăng 53.312 người. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế giới đã có 467.187 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 8.041 người so với ngày 14-4.
Mỹ có khả năng chạm đỉnh dịch, tranh cãi quyết định mở cửa kinh tế
Đến sáng 15-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã lên đến 611.156, tăng 24.215 bệnh nhân mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong vì đại dịch cũng tăng thêm 2.248, lên 25.924.
New York tiếp tục là bang bị thiệt hại nặng nề nhất khi ghi nhận thêm 778 ca tử vong và 6.553 người nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tổng cộng số bệnh nhân COVID-19 ở bang này đến nay là 202.208 người với 10.834 người trong số đó đã tử vong.
Dù vậy, trong cuộc họp báo ngày 14-4 (giờ địa phương) Thống đốc Andrew Cuomo tiếp tục khẳng định các số liệu cho thấy dịch nhiều khả năng đã chạm đỉnh, theo tờ The New York Post.
Ông cho biết sẽ cân nhắc cẩn trọng các quyết định liên quan đến nới lỏng lệnh phong toả, vì nếu không đánh giá đúng tình hình sẽ khiến toàn bộ tiến triển trong tuần qua biến mất và dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Ông Coumo cũng nói ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố có thẩm quyền “áp đảo” thống đốc các bang.
Ông Cuomo cho rằng bất kỳ việc mở cửa trở lại nào phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn tất. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công, theo ông.
Trước đó, ngày 13-4 ông Cuomo cùng với thống đốc của sáu bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ thống nhất sẽ xây dựng một kế hoạch khu vực để từng bước dỡ bỏ các hạn chế giãn cách xã hội.
Tình hình Nga diễn biến xấu, ông Putin lên tiếng trấn an
Tờ The Moscow Times dẫn nguồn các cơ quan y tế Nga cho biết đến sáng ngày 15-4 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm 2.774 ca COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên 21.102.
Đây là mức tăng ca nhiễm một ngày cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát ở Nga. Trong những ngày qua Nga liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên 1.000 người, dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh ở quốc gia này diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, Nga cũng có thêm 22 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số người chết vì dịch COVID-19 ở nước này hiện là 170.
Hiện tâm dịch vẫn đang tập trung ở khu vực thủ đô Moscow với 13.002 ca nhiễm, trong đó 95 người đã chết.
Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã thừa nhận Nga đang gặp nhiều vấn đề trong công tác phòng, chống dịch và hiện dịch chưa đạt đỉnh. Ông Putin cũng lo ngại tình trạng nhân viên y tế làm việc quá tải và thiếu đồ bảo hộ, theo hãng tin TASS.
Theo nhà lãnh đạo này, tình hình dịch ở Nga “biến động hàng ngày nhưng là những biến động tiêu cực” và trong tương lai nhà chức trách có thể phải áp dụng các biện pháp “phức tạp”.
Ông Putin cũng lưu ý chỉ có thể đối phó một cách hiệu quả với đại dịch bằng cách kết hợp những nỗ lực của toàn cộng đồng quốc tế.
Số ca nhiễm vượt 100.000 người, kinh tế Pháp thiệt hại nặng
Dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp tại Pháp với số tử vong trong 24 giờ qua cao kỷ lục từ đầu mùa dịch: 762, đưa tổng số ca tử vong đã lên đến 15.729, tính đến sáng 15-4 (giờ Việt Nam).
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của Pháp là 6.524, đưa tổng ca nhiễm lên 143.303, theo trang thống kê Worldometer. Gần 7.000 ca trong số này đang trong tình trạng nguy kịch.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố gia hạn thời hạn phong tỏa toàn quốc thêm bốn tuần, đến hết ngày 11-5, hãng tin Reuters cho hay.
Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp “đang sống trong những ngày khó khăn” và thừa nhận Pháp “rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ” cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và dung dịch rửa tay vẫn đang tiếp diễn.
Trong khi đó đài France24 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết GDP nước này dự kiến sụt giảm khoảng 8% trong năm nay do tác động của của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Ngân sách Gerald Darmanin cũng cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2020 thậm chí sẽ bị đẩy lên ở mức 9% GDP và nợ công sẽ tăng từ mức gần 100% GDP trong 2019 lên mức 115% GDP trong năm 2020.