Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế toàn cầu. Khi các nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… đang bị dịch bệnh làm cho điêu đứng, thì Việt Nam không thể là ngoại lệ. Cần các giải pháp để giữ nền kinh tế ổn định.
2 kịch bản về nguy cơ suy giảm kinh tế
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ nhất là hai ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống ( giảm 11%).
Dịch tả lợn Châu Phi, biến đổi khí hậu khiến sản lượng ngành nông nghiệp giảm sút. Xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch COVID-19.
PGS TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của VEPR, nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 đạt mức 3,82% so với cùng kỳ năm trước, suy yếu ở cả 3 khu vực kinh tế (khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%). Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12% trong quý 1; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,18%.
Cũng theo dự báo của VEPR, tổng thu Ngân sách Nhà nước năm 2020 có thể không đạt kế hoạch do nhiều nguyên nhân: Kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp; sự sụt giảm thu nhập của người lao động; sự thắt chặt đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, tổng chi có thể tăng vượt dự toán để giảm thiểu tác động của bệnh dịch.
Dự kiến, thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỉ đồng, thâm hụt ngân sách của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 1,5-1,6% lên 5%-5,1% GDP.
Còn theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, trong bối cảnh lạc quan, Việt Nam và thế giới kiểm soát được bệnh dịch COVID-19 vào cuối tháng 6.2020, nền kinh tế bắt đầu tiến trình đi vào hồi phục từ đầu quý 3.2020. Tuy nhiên, giai đoạn hồi phục rất lâu, ít nhất 6 tháng đến 1 năm.
Nhưng, “Có thể nền kinh tế Việt Nam chỉ trở lại bình thường, ổn định vào trong hai quý sau của 2021. Còn theo 1 kịch bản khác, đến cuối tháng 6 năm nay, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được thì kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ đi vào một cuộc khủng hoảng” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
“Tiếp máu” kịp thời cứu nền kinh tế
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS Vũ Tiến Lộc, để có được một cơ chế thường xuyên phối hợp “các mũi giáp công” để duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao giống như trong công tác phòng chống dịch bệnh, đề nghị Chính phủ cho thành lập ngay Ban chỉ đạo và Tổ công tái khởi động và phục hồi kinh tế. Thủ tướng Chính phủ nên đảm nhiệm vai trò Tổng tư lệnh – Trưởng ban chỉ đạo của chiến dịch này.
Do đây là Ban chỉ đạo và Tổ công tác tái khởi động và phục hồi kinh tế, vì doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong lĩnh vực này, nên cần có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham gia.
Ngày mai (15.4) có thể là thời điểm Chính phủ xem xét, nếu dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, có thể nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội để chuyển sang trạng thái giãn cách xã hội, theo quy định của ngành y tế, để có thể khôi phục dần phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh những hoạt động tụ tập đông người chưa thật sự cần thiết vào lúc này hoặc có thể thông qua các hình thức khác như trực tuyến.
“Tiếp tục hạn chế nhập cảnh, đóng đường mòn, lối mở… Thực hiện kinh doanh an toàn, tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Vì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất khác nhau giữa các ngành, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp, nên cần có những điều kiện và kịch bản ứng xử khác nhau” – TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, ngoài những chính sách cụ thể, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng: Một là, tập trung thực hiện các cái giải pháp tại Nghị quyết 02 /NQ-CP của Chính phủ về cải thiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hai là, rà soát các vướng mắc, xung đột, bất hợp lý về thể chế nhất là về đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp…