Gần 1 tháng kể từ khi diễn ra cuộc truy quét bí mật tại chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa, nơi được xem là “đặc khu bán lậu chim trời” lớn nhất cả nước, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã có báo cáo.
Gần một tháng sau khi Báo điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài điều tra “Đặc vụ xóa sổ ‘địa ngục chim trời’: Cuộc chiến không khoan nhượng,” phản ánh tình trạng buôn bán, sát hạt chim, thú hoang dã trái phép tại chợ nông sản Thạnh Hóa diễn ra nhộn nhịp dù dịch bệnh cũng như lệnh cấm, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã có báo cáo chi tiết sau khi đoàn liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế.
Từ chợ tự phát thành… “đặc khu”
Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An về việc kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái quy định pháp luật trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đã có báo cáo gửi Cục Kiểm lâm, báo cáo tình hình mua bán động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết: Chợ nông sản Thạnh Hóa trước đây là khu chợ tự phát do một số hộ, cá nhân mua, bán các mặt hàng nông sản (khoai mỡ, gà, vịt, chuột, rắn…) dọc theo tuyến Quốc lộ 62.
Trong quá trình mua, bán, các hộ vứt rác, chất thải, xác động vật chết dọc theo kênh Quốc lộ 62 và sau chợ, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, làm ảnh hưởng giao thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn…
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa đã vận động các hộ mua, bán hàng nông sản dọc tuyến Quốc lộ 62 vào mua bán tập trung nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ trên tuyến quốc lộ. Kể từ đó, chợ nông sản Thạnh Hóa được hình thành, nhưng đây vẫn chỉ là chợ tạm.
Thế nhưng, “tại khu vực này vẫn tiếp tục diễn ra các hoạt động mua bán động vật hoang dã mang tính tự phát, gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh,” báo cáo nhấn mạnh.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa phối hợp với các ngành chức năng để thống nhất quy trình, hồ sơ quy hoạch, sau đó ban hành quyết định về chủ trương đầu tư thành khu thương mại, bao gồm trạm dừng chân, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu (không quy hoạch chợ).
Sau khi đầu tư xây dựng, trong khu vực được phân chia nhiều kiốt để cho người dân có nhu cầu thuê bán các mặt hàng nông sản, tạp hóa, các loại gia cầm, chuột đồng và các loài động vật hoang dã từ gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết từ khi chuyển chợ tạm này vào trong, tình trạng buôn bán, giấu động vật hoang dã trái phép còn “ngang nhiên” hơn lúc ở ngoài.
Khó kiểm tra vì chiến thuật “chối bỏ”
Về kết quả kiểm tra hoạt động buôn bán động vật hoang dã sau khi báo VietnamPlus phản ánh, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phối hợp với đoàn liên ngành huyện Thạnh Hóa tổ chức tuyên truyền, vận động 21 hộ ký cam kết không mua, bán động vật hoang dã trái quy định pháp luật tại chợ nông sản Thạnh Hóa, tuyến đường N2, quốc lộ 1 và quốc lộ 62.
Ngoài ra, đoàn cũng đã tiến hành 3 lượt kiểm tra các hoạt động mua bán động vật hoang dã tại chợ Thạnh Hóa và các tuyến đường nêu trên. Qua đó tiến hành xử lý 5 vụ vi phạm với số lượng 9kg rắn, 10 cá thể cò, 2 cá thể chim cú lợn, 1 cá thể chim bìm bịp, 1 cá thể chim trích cồ và 4 cá thể gà nước thả về môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cũng đề cập đến việc công tác kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng của đoàn kiểm tra mỏng; các đối tượng biết rõ từng thành viên tham gia đoàn công tác (đoàn kiểm tra của huyện và Hạt kiểm lâm liên huyện) do đó cho người cảnh giới, canh gác.
Khi thấy lực lượng đoàn kiểm tra, những người này đã báo động cho các đối tượng mua bán động vật hoang dã để tẩu tán, cất giấu, chỉ trưng bày các loại có nguồn gốc hợp pháp.
Không những thế, “các đối tượng buôn bán còn hăm dọa, thậm chí có thái độ bất hợp tác, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho đoàn công tác kiểm tra cũng như xử lý vi phạm hành chính,” báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, các đối tượng mua, bán động vật hoang dã thường để hàng hóa phía trước gian hàng của họ (ngoài lộ), khi bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện thì chối bỏ, không nhận là chủ sở để nhằm tránh trách nhiệm. Do đó lực chức năng không xác định được chủ sở hữu.
Ngoài ra công tác nhận dạng các loài chim, định giá cũng gặp nhiều khó khăn vì cùng loài nhưng từng cá thể định giá khác nhau, ảnh hưởng trong công tác xử lý.
Đề nghị lắp đặt camera kiểm soát
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hoạt động mua, bán, tàng trữ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã tại chợ nông sản Thạnh Hóa.
Cùng với đó, tăng cường quản lý hoạt động gây nuôi, xử lý nghiêm các hành vi nuôi nhốt, mua, bán, tàng trữ các loài động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật.
Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa triển khai kế hoạch kiểm tra, kịp thời xử lý, chấn chỉnh hoạt động mua bán trái phéo động vật hoang dã trên địa bàn; tổ chức lắp đặt camera tại các tuyến đường trong chợ nông sản Thạnh Hóa để chủ động theo dõi các hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép.
Đặc biệt là nghiên cứu lập chốt kiểm tra chợ nông sản; theo dõi, kiểm soát các phương tiện vào chợ để cung cấp nguồn hàng động vật hoang dã cho các cơ sở…
Sở này cũng đề nghị Cục Kiểm lâm có văn bản hướng dẫn việc quản lý các loài chim cảnh, chim kiểng, tạo điều kiện để Chi cục Kiểm lâm Long An theo dõi, quản lý và xử lý các đối tương buôn bán trái phép trên địa bàn; đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng III tiếp tục hỗ trợ thực hiện kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Long An..
Trước đó, ngày 15/3, từ thông tin VietnamPlus cung cấp, Đội đặc nhiệm Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 3 và cơ quan chức năng huyện Thạnh Hóa đã tổ chức cuộc truy quét bí mật tại chợ nông sản Thạnh Hóa. Qua kiểm tra, đoàn đã tịch thu 1 cá thể rái cá lông mượt nặng 8kg; 2 cá thể rắn hổ đất có trọng lượng 5kg; 1 cá thể rắn ráo trâu có trọng lượng 1,6kg; 1 cá thể chồn đèn trọng lượng 0,5kg; và 30kg rắn thường và rắn hổ ngựa đang được giấu trong các bao tải.
Toàn bộ tang vật đã được đoàn công tác lập biên bản và bàn giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn để chăm sóc, bảo quản trong quá trình tạm giữ để tiến hành xác minh, làm rõ; và thả về môi trường tự nhiên… |
Bài 1: Đường đi của những đàn chim từ rừng xanh, trời cao… lên đĩa
Bài 2: Hé lộ “khối băng chìm” ẩn sau vùng “đặc khu” bán lậu chim trời
Bài 3: Vùng “đặc khu chim trời”-Đã đến lúc cần phải xóa bỏ tận gốc
Bài 4: “Số phận của đặc khu chim trời” sau cuộc “truy quét bí mật”
Bài 5: Nghị quyết cấm buôn bán động vật hoang dã, chớ để quá muộn
Đề nghị tỉnh Long An xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán ĐVHD
Chặn “cầu nối” tiêu thụ động vật hoang dã để tránh dịch bệnh