Phòng, chống buôn bán động vật hoang dã – Bài cuối: Kiến nghị từ nhiều tổ chức phi chính phủ

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã có các thông báo, chỉ thị cho chính quyền địa phương nhằm thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã để ngăn ngừa dịch bệnh.

Bài 1: Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện

Bài 2: Vẫn còn hạn chế trong thực thi

Gấu được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể, thời gian gần đây, các bộ, ngành và các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên đã liên tiếp có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh đề nghị tăng cường kiểm tra và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cách thức giải quyết các mối đe dọa từ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), đại diện cho 14 tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, chia sẻ: Hiện tình hình buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã tại Việt Nam trong những năm gần đây vẫn diễn ra khá sôi động và phức tạp. Do vậy, trong bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ từ phía 14 tổ chức bảo tồn thiên nhiên mới đây, chúng tôi cũng đã kiến nghị các biện pháp cụ thể để đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép, cũng như kiểm soát chặt chẽ, xử lý các hành vi liên quan.

Trước hết, để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần được chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của mình. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn mình. Các cơ quan thực thi pháp luật cần có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, thích đáng đối với các trường hợp tiếp tay, bảo kê việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn mình quản lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại chính sách cho phép một số cơ sở nhân nuôi động vật hoang dã, cũng như rà soát việc triển khai trên thực tế để đảm bảo những cơ sở này tuân thủ các quy định, không biến thành bình phong cho việc hợp pháp hóa nguồn động vật hoang dã trái phép, áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát, phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả. Đặc biệt là cần đóng cửa và xử lý nghiêm các cơ sở lợi dụng chính sách này để tham gia thị trường buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) Nguyễn Thị Phương Dung cho biết: Trong năm 2019 Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ghi nhận 1.777 vụ vi phạm về động vật hoang dã mới, trong đó có 146 vụ vận chuyển, 979 vụ mua bán, quảng cáo và 610 vụ nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã (trong đó 290 vụ liên quan đến gấu, 232 vụ liên quan đến hổ). Gần 600 vụ vi phạm là do người dân phát hiện và trực tiếp thông báo đến Trung tâm qua số điện thoại miễn phí 18001522 và email hotline@fpt.vn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn tịch thu 321 động vật hoang dã còn sống sau khi tiếp nhận thông tin do người dân tự nguyện chuyển giao.

Hiện mức phạt tù đối với hành vi mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã đã tăng dần so với các năm trước đây.

Tháng 3/2019, Trần Tuấn Anh (trú ở Nam Định) bị phạt 11 năm 6 tháng tù vì vận chuyển trái phép 10 con rái cá vuốt bé. Cuối tháng 5/2019, Nguyễn Đức Thịnh (trú ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà tuyên 15 tháng tù treo vì hành vi buôn bán 8 móng gấu trên mạng xã hội. Tháng 10/2019, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tuyên phạt 2 đối tượng Hồ Minh Đức (28 tuổi, trú ở Kon Tum) và Bùi Đức Hùng (39 tuổi, trú ở Thái Nguyên) 5 năm và 5 năm 6 tháng tù tội vận chuyển 7 con tê tê Java. Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên phạt Lê Thế Cường 24 tháng tù giam và Huỳnh Chiến Thắng 18 tháng tù giam do buôn bán trái phép 4,44 kg ngà voi. Tháng 11/2019, Phạm Bá Kim (trú ở Quảng Ninh) bị phạt 13 năm tù vì nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái phép 145 con tê tê Java, 7kg vảy tê tê Java và 71,4 kg da voi.

Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Điện Biên) phát hiện một vụ vận chuyển 47 động vật hoang dã, khối lượng 169 kg, ngày 7/11/2019. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Để bảo vệ các loài động vật hoang dã, những năm vừa qua, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cùng các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế đã hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc nâng cao năng lực, nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến, hỗ trợ thực thi pháp luật, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, bảo tồn các loài hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng…

Thời gian tới, ENV vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động này, cũng như đồng hành với Chính phủ để thực hiện, giám sát và hỗ trợ các nỗ lực nhằm loại trừ vĩnh viễn các hoạt động buôn bán, sử dụng động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam. Tuy vậy, hiện tại việc phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan chức năng cần được cải thiện để nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.

ENV kiến nghị, về lâu dài, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép; kiểm soát chặt chẽ việc nuôi thương mại động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng nhập lậu từ tự nhiên; gắn trách nhiệm chính quyền địa phương với việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn. Các cơ quan tư pháp cần áp dụng mức phạt nặng đối với các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.