Các nhà khoa học đã phát hiện ra sáu loại virus corona hoàn toàn mới ẩn nấp trong loài dơi ở Myanmar. Những virus này tuy cùng họ với virus SARS-CoV-2 hiện đang lan rộng trên toàn cầu, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết những loại mới không liên quan chặt chẽ về mặt di truyền với virus này hay hai loại virus corona khác gây lây nhiễm nặng ở người – hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các virus này trong khi khảo sát các loài dơi ở Myanmar như một phần của chương trình do chính phủ tài trợ có tên PREDICT để xác định các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhiễm từ động vật sang người. Và dơi là nghi phạm chính vì các động vật có vú được cho là có hàng nghìn virus corona chưa được phát hiện. SARS-CoV-2, gây ra bệnh Covid-19 cũng được cho là bắt nguồn từ dơi, trước khi cư trú sang ở người có thể đi vòng qua một số vật chủ trung gian.
Từ năm 2016 đến 2018, họ đã thu thập hàng trăm mẫu nước bọt và guano (tên gọi chung cho các chất thải của chim biển, dơi và hải cẩu hải cảng, ở đây là phân dơi) từ 464 con dơi từ ít nhất 11 loài khác nhau. Họ đã lấy mẫu tại ba địa điểm ở Myanmar, nơi con người tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã do thay đổi sử dụng đất và các hoạt động giải trí và văn hóa – chẳng hạn như thu hoạch phân dơi để làm phân bón.
“Hai trong số các địa điểm này cũng có hệ thống hang động phổ biến nơi mọi người thường xuyên tiếp xúc với dơi thông qua thu hoạch phân dơi, thực hành tôn giáo và du lịch sinh thái”, các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu của họ được công bố trực tuyến vào ngày 9-4 trên tạp chí Plos One.
Các nhà nghiên cứu cho biết, cần có thêm nghiên cứu để tìm hiểu sáu loại virus mới này khi di chuyển sang các loài khác và nguy cơ chúng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Nhiều loại virus corona có thể không gây nguy hiểm cho con người, nhưng khi chúng ta xác định sớm những bệnh này ở động vật ngay tại nguồn, chúng ta có cơ hội quý giá để điều tra mối đe dọa tiềm tàng”, đồng tác giả nghiên cứu Suzan Murray, giám đốc của Chương trình sức khỏe toàn cầu Smithsonian, cho biết trong một tuyên bố. “Giám sát thận trọng, nghiên cứu và giáo dục là những công cụ tốt nhất chúng ta có để ngăn chặn đại dịch trước khi chúng xảy ra”.
Sự tàn phá do Covid-19 gây ra hiện nay chỉ là một lời nhắc nhở về sức khỏe của con người có liên quan chặt chẽ đến việc tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã.
“Trên toàn thế giới, con người đang tiếp xúc với động vật hoang dã với tần suất ngày càng tăng, vì vậy việc chúng ta càng hiểu về các loại virus này ở động vật, điều gì cho phép chúng biến đổi và chúng lây lan sang các loài khác thì càng tốt. Chúng ta có thể giảm khả năng gây đại dịch”, Marc Valitutto, cựu bác sĩ thú y của Chương trình Sức khỏe Toàn cầu của Smithsonian, cho biết trong tuyên bố.
Hoàng Dương (Theo Livescience)