Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết Châu Âu vừa phát hiện một lỗ thủng hiếm gặp ở tầng ozone phía trên Bắc Cực.
Theo trang The Guardian (Anh), lỗ thủng được theo dõi trong cả không gian và từ mặt đất trong vài ngày qua đã đạt đến kích thước kỷ lục, nhưng sẽ không gây nguy hiểm cho con người trừ khi nó lan rộng về phía Nam. Nếu lỗ thủng di chuyển xa hơn về phía Nam trên các khu vực đông dân cư, như phía Nam Greenland, con người sẽ có nguy cơ bị cháy nắng. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện tại, lỗ thủng dự kiến biến mất hoàn toàn trong một vài tuần tới.
Nhiệt độ thấp ở các vùng cực Bắc đã dẫn đến một cơn xoáy cực bất thường, cùng với sự hiện diện của các hóa chất phá hủy tầng ozone như clo và brom trong khí quyển – từ các hoạt động của con người – đã tạo ra lỗ thủng.
“Chúng tôi đã theo dõi các điều kiện động lực học bất thường và sự thúc đẩy quá trình suy giảm hoá chất ở tầng ozone. Những động lực này làm nhiệt độ thấp hơn tạo ra một cơn xoáy ổn định hơn bình thường ở Bắc Cực, sau đó kích hoạt sự hình thành của các đám mây tầng bình lưu và sự phá hủy tầng ozone”, ông Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus, cho biết.
Lỗ hổng này không liên quan đến sự suy giảm đáng kể của ô nhiễm không khí và giảm lượng khí thải nhà kính khi nhiều quốc gia tiến hành phong toả vì dịch COVID-19. Các nhà khoa học cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định các cơn xoáy ở Bắc Cực liên quan đến khủng hoảng khí hậu hay một phần của sự thay đổi thời tiết thông thường ở tầng bình lưu.
Ông Peuch cũng cho biết hiện tượng này không tác động trực tiếp đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhiệt độ trong khu vực đã tăng lên, làm chậm sự suy giảm ozone và lỗ thủng sẽ bắt đầu biến mất khi không khí cực trộn lẫn với không khí giàu ozone từ các vĩ độ thấp hơn. Lần giảm ozone lớn nhất cuối cùng vào mùa xuân năm 2011 tại Nam Cực.
Mặc dù lỗ thủng trên Bắc Cực là một sự kiện hiếm gặp, nhưng lỗ thủng lớn hơn nhiều trong tầng ozone ở Nam Cực đang là nguyên nhân chính gây lo ngại trong hơn 4 thập kỷ qua. Theo Nghị định thư Montreal năm 1987, việc phát thải hóa chất làm suy giảm tầng ozone đã giảm đáng kể, nhưng một số nguồn phát thải vẫn lén lút hoạt động. Năm 2018, việc phát thải trái phép đã được phát hiện ở phía Đông Trung Quốc.
Vào tháng 11/2019, kích thước lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực được cho là nhỏ nhất trong 35 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sự thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực cắt giảm việc phát thải các chất ô nhiễm có hại.