Người dân TP.HCM bắt đầu chủ quan, lơ là chống dịch COVID-19

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, thống kê 6 ngày liên tục (4.4 – 9.4) cho thấy TP.HCM không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới. Điều này khiến một bộ phận người dân, đơn vị đang có biểu hiện chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước tình trạng người dân ra đường tăng trở lại với những lý do không thật sự cần thiết, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu các sở, ban, ngành và quận huyện, phường xã, thị trấn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội trong 15 ngày từ 1.4.2020.

Theo đó, ông Liêm yêu cầu mọi người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Ông Lê Thanh Liêm chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM. (Ảnh: HMC)

Các cơ quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người dân, cộng đồng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, TP.HCM sẽ xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, không chấp hành việc ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ, tập trung đông người.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế trong những ngày qua thì số người dân ra đường tăng trở lại với những lý do không thật sự cần thiết, không đảm bảo việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m và không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Đáng chú ý, tại cuộc họp giao ban trực tuyến diễn ra chiều 9.4 của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, ông Lê Thanh Liêm cho biết, thống kê 6 ngày liên tục (4.4 – 9.4) cho thấy TP.HCM không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới. Điều này là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là lý do khiến một số người dân, đơn vị đang có biểu hiện chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch.

Vì vậy, tại cuộc họp, ông Liêm yêu cầu các quận huyện cần tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, nhất là tại các địa điểm đông người như: siêu thị, khu công nghiệp, khu chế xuất….

Ông cũng giao Sở Thông tin – Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về 6 điều cần làm trong phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; 12 điều cần làm ngay theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong để phòng chống dịch tới người dân và các tổ chức, đơn vị trên địa bàn.

Đáng chú ý, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện và khẩn trương hoàn thành việc rà soát, xét nghiệm những người nhập cảnh từ ngày 8.3.2020 chưa cách ly tập trung. Đồng thời, tiếp tục triển khai giám sát, kiểm dịch y tế đối với hành khách tại sân bay quốc nội, ga đường sắt; kiểm tra, giám sát việc tổ chức biện pháp phòng dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dưỡng lão…

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp này, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 các quận, huyện tăng cường giám sát, kiểm tra, xử phạt theo quy định việc đảm bảo chấp hành của người dân địa phương đối với các yêu cầu tại chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Sở Y tế còn thông tin từ ngày 10.4.2020, thành phố triển khai giám sát trong cộng đồng thông qua khai báo y tế và xét nghiệm tầm soát mở rộng bằng cách xét nghiệm sàng lọc test nhanh (tìm kháng thể) và xét nghiệm xác định lại bằng kỹ thật RT-PCR tại các khu ký túc xá công nhân, các cơ sở sản xuất tập trung nhiều lao động, các khu vực cộng đồng dân cư, các nhóm đối tượng có nguy cơ…

Song sóng đó là tiếp tục kiểm tra, giám sát phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế; tổ chức sắp xếp lại năng lực ứng phó ngành y tế trong phát hiện kiểm soát và khống chế ổ dịch trong cộng đồng; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng việc thu dung điều trị bệnh ở các bệnh viện điều trị COVID-19.