Hôm thứ năm, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã bắt đầu bật đèn xanh cho thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19.
Những người tham gia đầu tiên đã đăng ký thử nghiệm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, bang Tennessee. Nghiên cứu này sẽ được thực hiện bởi Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) thuộc NIH.
Theo NIH, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát với hơn 500 người trưởng thành hiện đang nhập viện do nhiễm COVID-19. Những người tham gia sẽ được chỉ định ngẫu nhiên để nhận 400 mg hydroxychloroquine chia thành 2 liều trong ngày đầu, sau đó 200 mg chia làm hai liều mỗi ngày trong 4 ngày tiếp theo (ngày hai đến năm).
Hydroxychloroquine vốn được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét, lupus và thấp khớp. Tuy nhiên, hiệu quả của nó trong việc điều trị COVID-19 chưa bao giờ được chứng minh, mặc dù được Tổng thống Donald Trump ra sức ủng hộ. Cho đến giờ các bằng chứng về hydroxychloroquine vẫn gây tranh cãi.
Một nghiên cứu của Pháp đã thử nghiệm kháng sinh azithromycin với hydroxychloroquine đã lọt vào mắt xanh của ông Trump. Nhưng nghiên cứu trên mới chỉ thử nghiệm với 24 người và bị giới khoa học chỉ trích rộng rãi.
Các nhà khoa học từ NIH cho biết bằng chứng lâm sàng khẩn cấp là cần thiết. Do vậy, nghiên cứu đầy đủ sẽ chỉ hoàn thành cho đến tận tháng 7.2021.
Wesley Self, bác sĩ cấp cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, người chịu trách nhiệm về chương trình thử nghiệm cho biết: “Nhiều bệnh viện ở Mỹ hiện đang sử dụng hydroxychloroquine làm liệu pháp ban đầu cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện mặc dù dữ liệu lâm sàng về hiệu quả của nó vẫn rất hạn chế. Do đó, dữ liệu về việc dùng hydroxychloroquine để điều trị COVID-19 là rất cần thiết”.
Tháng trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã cấp giấy cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế sử dụng hydroxychloroquine trong điều trị bệnh, mặc dù loại thuốc này chưa bao giờ được phê duyệt là phương pháp điều trị cụ thể với COVID-19.
Mặc dù loại thuốc này đã được sử dụng từ Thế chiến II, NIH cảnh báo rằng ngay cả việc sử dụng ngắn hạn cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, co giật, phản ứng da liễu và hạ đường huyết.
Theo VOA, động thái của NIH được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một số bác sĩ Mỹ cho biết đang dùng thuốc này cho các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 mà không có bằng chứng là hiệu quả. Tuy nhiên, việc dùng loại thuốc này đang ngày càng gia tăng khi Mỹ nhanh chóng trở thành tâm dịch COVID-19.
Tính đến 9.4, Mỹ đã ghi nhận gần 460.000 người nhiễm COVID-19 và số ca tử vong đã gần 16.500. Mỹ là quốc gia có số người nhiễm COVID cao nhất thế giới và số ca tử vong cao thứ 2 (sau Ý). Với số người tử vong lên đến hàng nghìn mỗi ngày như hiện giờ thì dự kiến trong tuần này, Mỹ sẽ vượt luôn cả Ý, nước có hơn 18.000 tử vong vì dịch coronavirus.