Càn quét toàn cầu với hơn 1 triệu ca lây nhiễm tính đến thời điểm hiện tại nhưng sự khởi đầu của virus corona mới cũng không khác gì các đại dịch bùng phát trước đó: tồn tại bên trong một cá thể động vật.
Các nhà khoa học gần như chắc chắn vật chủ ban đầu của virus là một cá thể dơi, tương tự như trường hợp của Ebola, SARS, MERS và các loại virus ít được biết đến như Nipah và Marburg. HIV lây sang người cách đây hơn một thế kỷ từ một cá thể tinh tinh. Cúm A đã nhảy từ chim hoang dã sang lợn rồi sang người. Loài gặm nhấm lan truyền bệnh sốt Lassa ở Tây Phi.
Nhưng vấn đề không phải là các loài động vật mà chính là chúng ta, các nhà khoa học nghiên cứu về các bệnh động vật truyền qua truyền lại giữa động vật và con người nhấn mạnh.
Động vật hoang dã luôn có virus trong cơ thể. Nhưng ngành buôn bán động vật hoang dã toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la cùng các hoạt động thâm canh nông nghiệp, phá rừng và đô thị hóa đang đưa con người đến gần động vật hơn, khiến virus có nhiều cơ hội lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, hầu hết virus đều thất bại. Một số thành công trên quy mô nhỏ. Rất ít loại chiến thắng, như SARS-CoV-2, được hỗ trợ bởi một quần thể người liên kết chặt chẽ và có thể vận chuyển mầm bệnh đi khắp thế giới bằng máy bay phản lực chỉ trong vài giờ.
Khi thế giới chật vật đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế cộng đồng chưa từng có, nhiều nhà nghiên cứu về bệnh dịch cho rằng đại dịch covid-19 cần phải được coi là một cảnh báo chết người. Điều này cũng có nghĩa là phải coi động vật là đối tác cần được bảo vệ cả về sức khỏe và sinh cảnh để ngăn chặn sự bùng phát toàn cầu tiếp theo.
Peter Peterzak, nhà sinh thái học bệnh dịch kiêm Chủ tịch tổ chức y tế công chuyên nghiên cứu về các bệnh mới xuất hiện EcoHealth Alliance, cho rằng: “Các đại dịch xuất hiện với tần suất dày hơn. Đó không phải là một hành động ngẫu nhiên của thượng đế mà là hệ lụy của những gì chúng ta đã làm với môi trường. Chúng ta cần bắt đầu kết nối các chuỗi hành động đó và nên thực hiện những chúng theo cách ít rủi ro hơn”.
Khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người có nguồn gốc từ động vật, và gần 1,7 triệu virus chưa được phát hiện có thể tồn tại ở động vật hoang dã. Nhiều nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những loài có thể gây ra sự lây truyền tiếp theo từ động vật sang người. Các điểm nóng có khả năng nhất có ba điểm chung: rất đông người, động thực vật đa dạng, và môi trường thay đổi nhanh chóng, Daszak nói.
Những điểm nóng này cũng là nơi cư trú của nhiều vật chủ có khả năng truyền bệnh nhất: loài gặm nhấm và dơi. Khoảng 1/2 động vật có vú là loài gặm nhấm và khoảng 1/4 là dơi. Nhưng dơi chiếm khoảng 50% động vật có vú ở các khu vực nhiệt đới có đa dạng sinh học cao nhất, và chúng vừa là loài thụ phấn và ăn sâu bệnh có giá trị, vừa là những ổ virus đáng kinh ngạc. Dơi có hệ miễn dịch siêu việt nên có thể trở thành “ổ chứa của nhiều loại mầm bệnh không tác động đến chúng nhưng tác động rất lớn đến chúng ta nếu lây truyền”, theo nhà sinh thái học bệnh dịch Thomas Gillespie thuộc Đại học Emory.
Càng ngày chúng ta càng khiến bệnh tật dễ dàng lây truyền hơn.
Cuối năm ngoái, virus corona từ một cá thể dơi lá mũi được cho là đã bùng phát ở Trung Quốc – nơi buôn bán động vật độc lạ để chiều theo thị hiếu xa xỉ và nhu cầu sử dụng các bộ phận làm thuốc.
Tại một khu chợ tươi sống ở Vũ Hán, điểm bùng phát ban đầu của các ca nhiễm covid-19, ít nhất một cửa hàng có bày bán cả sói con và cầy vòi mốc. Các chuyên gia cho biết những chợ như thế khiến động vật bị căng thẳng và những cá thể bệnh tật bị nhốt chen chúc nhau trong các lồng, dịch cơ thể của chúng bài tiết ra, kết hợp với việc giết mổ tại chỗ khiến virus càng có cơ hội lan truyền mạnh hơn. Một số ca nhiễm ban đầu được cho là xuất phát từ chợ Vũ Hán nhưng khu vực này đã bị đóng cửa và vệ sinh trước khi các nhà nghiên cứu có thể theo dõi những gì động vật có thể liên quan. Và chợ có lẽ không phải là nơi lây lan mà việc này đã xảy ra vài tuần trước đó – vào tháng 11. Một số ca đầu tiên không liên quan gì đến chợ động vật.
Các nhà khoa học cho biết virus mới này không giống với bất kỳ loại virus từ dơi nào đã được biết đến mà đã biến đổi ở ít nhất một trung gian, có lẽ là loài tê tê hiện bị xếp hạng nguy cấp và bị buôn bán tràn lan.
Dịch SARS năm 2003 được các nhà khoa học gán cho dơi lá mũi và cũng được truy gốc đến các chợ động vật hoang dã. Giới khoa học cho rằng virus corona đã nhảy từ dơi sang cầy vòi mốc rồi lây cho con người.
“Một trong những giao diện quan trọng để lây lan là các chợ và buôn bán động vật hoang dã quốc tế”, Giám đốc điều hành của chương trình sức khỏe toàn cầu thuộc WCS Chris Walzer nói.
Ở châu Phi, các quần thể động vật có vú đang cạn kiệt, có nghĩa là cuộc chơi ngày càng ngả về các loài nhỏ hơn, bao gồm các loài gặm nhấm và dơi, theo bác sĩ thú y nghiên cứu về bệnh động vật Fabian Leendertz thuộc Viện Robert Koch ở Berlin. Trong khi một số loài bị dùng làm thức ăn hoặc cho mục đích truyền thống, doanh số bán thịt độc lạ cũng là một “nền kinh tế khổng lồ” ở các siêu đô thị đang phát triển nhanh.
“Đấy là những thứ tôi sẽ ưu tiên chấm dứt. Rủi ro không nằm ở khâu vận chuyển thịt hoang dã nhưng điều đó sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động săn bắn và gia tăng tiếp xúc với những người đi săn và những người mổ xẻ động vật”.
Daszak chỉ rõ buôn bán quốc tế thú cưng độc lạ như các loài bò sát và cá cũng là một mối quan ngại bởi động vật hiếm khi được kiểm tra mầm bệnh có thể gây bệnh cho con người. Vì vậy, các trang trại lớn được ních đầy động vật, theo Gillespie.
“Khi tôi nghĩ về những gì mà yếu tố rủi ro sơ khởi thì đó là bệnh cúm A liên quan đến sản xuất thịt lợn và gà”.
Nhưng thu hoạch và nuôi động vật không phải là con đường lây truyền duy nhất. Con người ngày càng lấn vào không gian của động vật hoang dã và thay đổi nó theo những cách nguy hiểm.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra bệnh Lyme (do một loại vi khuẩn gây ra) lây lan dễ dàng hơn ở miền đông Hoa Kỳ vì các khu rừng bị phân mảnh, có ít động vật săn mồi hơn (như cáo và chồn opossum), chúng ăn chuột chứa bọ ve lây lan Lyme. Ngoài ra, nhà cao tầng cũng tạo điều kiện cho cộng sinh gần gũi hơn với một số động vật hoang dã, bao gồm cả dơi, Leendertz nói.
Các nhà khoa học viện dẫn sự xuất hiện của virus Nipah ở Malaysia năm 1998 – đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người ở châu Á – như một ví dụ sinh động về lây lan do thay đổi môi trường và thâm canh nông nghiệp. Phá rừng mưa nhiệt đới để trồng dầu cọ, chăn nuôi gia súc và khai thác gỗ đã lấy mất chỗ trú ẩn của dơi quạ, buộc chúng phải dạt tới các trại lợn mới xây dựng có trồng xoài và các loại cây ăn quả khác. Dơi “thải ra nhiều hơn những gì chúng ăn vào”, nước bọt và phân của chúng nhiễm bệnh cho lợn sống bên dưới, Gillespie phân tích. Lợn lại gây bệnh cho người nuôi và những người gần gụi với ngành chăn nuôi.
“Bất cứ nơi nào chúng ta tạo ra các giao diện mới đều là rủi ro cần phải xem xét nghiêm túc. Rủi ro này buộc động vật hoang dã tìm kiếm nguồn thức ăn mới, buộc chúng thay đổi hành vi theo những cách khiến chúng dễ chuyển mầm bệnh cho chúng ta hơn”.
Khi dân số trái đất tiến dần tới mốc 8 tỷ, không ai nghĩ rằng tương tác giữa người và động vật sẽ giảm đi. Chìa khóa là giảm nguy cơ lan lan và không phải bằng cách giết dơi. Nhưng giới khoa học cũng thừa nhận rằng áp lực văn hóa và kinh tế là rào cản cho quá trình thay đổi.
WCS và các nhóm bảo tồn kêu gọi các nước cấm buôn bán động vật hoang dã làm thực phẩm và đóng cửa chợ tươi sống. Anthony S. Fauci, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu và là lá cờ đầu của Hoa Kỳ đối phó với đại dịch cho biết rằng cộng đồng thế giới nên gây áp lực buộc Trung Quốc và các quốc gia khác có chợ tươi sống đóng cửa chúng.
“Tâm trí tôi cứ luẩn quẩn câu hỏi vì sao chúng ta không đóng cửa các chợ đó ngay lập tức khi mà chúng ta có quá nhiều bệnh khởi phát từ tiếp xúc khác thường giữa động vật – con người như thế”, Fauci nói trong chương trình “Fox & Friends” trên kênh Fox News.
Trung Quốc tuyên bố vào tháng 1 lệnh cấm vận chuyển và bán động vật hoang dã nhưng chỉ có hiệu lực đến khi dịch covid-19 chấm dứt. Lệnh cấm vĩnh viễn là cần thiết, Aili Kang, Giám đốc điều hành chương trình châu Á thuộc WCS, cho biết.
Không phải ai cũng đồng ý. Lệnh cấm có thể khiến thị trường thành hoạt động ngầm. Daszak lưu ý rằng người phương Tây cũng ăn động vật hoang dã, chẳng hạn hải sản và hươu nai, thay vào đó thương mại nên được quy định và động vật phải được kiểm nghiệm nghiêm ngặt về mầm bệnh.
Leendertz nói rằng cần phải giám sát bệnh tật ở động vật hoang dã chặt chẽ hơn, coi chúng là “lính gác tiền đồn”. Gillespie nhấn mạnh đến nhận thức rộng rãi rằng việc xây dựng trong sinh cảnh hoang dã có thể gây ra các cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng.
Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận đại dịch covid-19 nêu bật sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn diện hơn về “Một sức khỏe”, chương trình coi sức khỏe của con người, động vật và môi trường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Giáo sư Kate Jones, Trưởng nhóm hệ sinh thái và đa dạng sinh học thuộc Đại học College London kết luận: “Cần phải thay đổi văn hóa từ cấp độ cộng đồng lên về cách chúng ta đối xử với động vật, thay đổi hiểu biết của chúng ta về những nguy cơ và rủi ro an toàn sinh học mà chúng ta đang đặt mình vào. Điều đó có nghĩa là giữ cho các hệ sinh thái nguyên vẹn, không phá hủy chúng. Có nghĩa là suy nghĩ ở tầm dài hạn hơn”.
Nhật Anh (Theo Washington Post)