Kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học quốc tế khẳng định ngay cả mức độ ô nhiễm không khí thấp cũng dẫn đến một sự thay đổi nguy hiểm trong biểu hiện gien, một dấu hiệu đặc trưng của các bệnh như ung thư.
Theo Medical Express, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Monash (Úc) và các đồng nghiệp tại Đại học Nagasaki (Nhật Bản) và Đại học Cambridge (Anh) khẳng định rằng tác động dù ở mức độ thấp của các yếu tố gây ô nhiễm không khí cũng làm thay đổi biểu hiện gien, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp.
Về lâu dài, việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí dẫn đến stress oxy hóa và các vấn đề như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này đã được các nhà khoa học biết từ lâu, nhưng bây giờ họ mới thu được bằng chứng đầu tiên cho thấy rằng chỉ cần một tác động không đáng kể là đủ để thay đổi biểu hiện của gien, một dấu hiệu đặc trưng của các bệnh như ung thư.
Các chuyên gia Úc đã nghiên cứu các mẫu máu của 266 cặp sinh đôi cũng như 165 phụ huynh ở thành phố Brisbane trong giai đoạn 2005-2010. Các giai đoạn lấy mẫu máu được so sánh với dữ liệu từ 7 trạm quan trắc chất lượng không khí ở vùng lân cận Brisbane.
Dữ liệu về mức độ ô nhiễm hạt PM2.5 và sulfur dioxide đã được tính đến. Biểu hiện trong 6 gien liên quan đến stress oxy hóa và viêm đã được phân tích. Kết quả: ngay cả mức độ ô nhiễm không khí thấp được quan sát thấy trong thời gian trên ở Brisbane cũng đã dẫn đến một sự thay đổi nguy hiểm trong biểu hiện gien liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trong thời gian dài hơn.
Phó giáo sư Yuming Guo ở Đại học Monash chia sẻ rằng, công trình nghiên cứu mới nhất này là bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, thậm chí ở mức độ thấp, có hậu quả lâu dài đối với sức khỏe. Điều này có ý nghĩa thực sự trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 hiện nay.
Khi tính đến các hậu quả toàn cầu của dịch COVID-19 và tác động của nó đối với sức khỏe các cơ quan hô hấp, chúng ta cần phải có ý thức hơn trong việc hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí,- phó giáo sư nhấn mạnh.