Các chuyên gia bảo tồn cho rằng đại dịch covid-19 là sự kiện mang tính bước ngoặt để kiềm chế nạn buôn bán động vật hoang dã toàn cầu – nhân tố vừa gây tuyệt chủng các loài hoàng dã, vừa góp phần thổi bùng dịch bệnh.
Adam Peyman, Giám đốc động vật hoang dã thuộc Tổ chức HSI khi bước vào một nhà hàng ở Việt Nam dùng bữa đã bị sốc khi thấy thực đơn có nhiều món từ động vật hoang dã, bao gồm cả các loài bị đe dọa. Cá đuối, nhím, ba ba, lợn rừng và dê núi đều được chào bán công khai.
Thưởng thức những thứ kỳ lạ đã trở thành chỉ dấu cho địa vị và giàu có ở một số nước châu Á. Nhu cầu dùng sản phẩm hoang dã để ăn hoặc làm thuốc thúc đẩy buôn bán động vật hoang dã, một số loài được mua bán lậu, tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho bệnh tật nảy mầm và cơ hội để virus nhảy sang người.
“Tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là động vật có vú có thể mang mầm bệnh vượt qua rào cản loài, gây ra mối đe dọa thực sự với sức khỏe con người. Thật khó để nói rằng liệu những động vật này bị lấy ra khỏi tự nhiên một cách hợp pháp hay không, không ít trong số đó có thể bị buôn lậu và được bày bán ở các chợ tươi sống sau đó,” Peyman nói.
Chợ tươi sống là cảnh tượng quen thuộc ở nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc đại lục. Cách gọi những chợ này xuất phát từ việc sử dụng nước đá để bảo quản hàng hóa cũng như việc dùng nước để rửa sạch các bãi giết mổ động vật.
Giáo sư Andrew Cunningham, Phó Giám đốc khoa học thuộc Hiệp hội Động vật học London (ZSL) cho rằng các chợ tươi sống là những quả “bom hẹn giờ” cho dịch bệnh, như thể đây là cách đáp trả của các loài động vật trước cách đối xử mà con người dành cho chúng.
Nguồn gốc của virus mới vẫn chưa rõ, nhưng rất có thể xuất hiện ở một cá thể dơi, sau đó nhảy sang con người thông qua một vật chủ là động vật hoang dã khác.
Trong nhiều thập kỷ, giới khoa học đã chú ý đến các bệnh dịch ở người bắt nguồn từ động vật, bao gồm SARS, MERS và Ebola.
Thông điệp từ tổ chức WCS rất rõ ràng: cấm các chợ động vật sống có buôn bán động vật hoang dã, ngăn chặn nạn buôn bán trái phép và săn trộm động vật hoang dã.
“Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tật lây lan mà sẽ giải quyết một trong những động lực chính của tuyệt chủng loài”, WCS khẳng định.
Sau khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc ban hành lệnh cấm toàn bộ việc nuôi và tiêu thụ động vật hoang dã sống – dự kiến sẽ trở thành luật vào cuối năm nay. Hàng nghìn trang trại động vật hoang dã nuôi các loài như nhím, cầy hương và rùa đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn còn lỗ hổng, chẳng hạn như buôn bán động vật hoang dã để làm thuốc, làm cảnh hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học vẫn được phép. Thậm chí, mới đây, chính phủ Trung Quốc dường như còn chấp thuận sử dụng một loại thuốc tiêm có chứa mật gấu để điều trị covid-19.
Các nhà vận động lo ngại những miễn trừ này có thể mở đường cho buôn lậu thịt động vật hoang dã như đã xảy ra trước đây với các bộ phận cơ thể hổ và báo.
Mọi con mắt đều hướng vào luật bảo vệ động vật hoang dã sắp sửa đổi – liệu luật này sẽ giải quyết những lỗ hổng đó như thế nào và bằng cách nào.
Ở Việt Nam, chính phủ đang gấp rút ra chính sách để kiểm soát buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại các chợ và trực tuyến. Nhưng một số người cho rằng sẽ không dễ dàng thay đổi thái độ văn hóa hoặc thực thi lệnh cấm khi chợ tươi sống là một phần của văn hóa địa phương, người dân vẫn tin rằng thịt bán ở đó tươi và rẻ.
Giáo sư Dirk Pfeiffer thuộc Đại học Hồng Kông cho biết vấn đề thực sự là nhu cầu. “Những người đang cung cấp động vật, dù là động vật hoang dã bị nuôi nhốt hay bắt ngoài tự nhiên thì đó vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng với họ. Đẩy buôn bán thành hoạt động ngầm không phải là giải pháp, vì vậy cần phải có một quá trình theo từng giai đoạn”.
Đây không phải là lần đầu tiên một đại dịch khiến buôn bán động vật hoang trở thành tâm điểm chú ý. Dịch SARS năm 2002 bắt đầu ở Trung Quốc và cướp đi hơn 700 sinh mạng được gắn với dơi và cầy hương, mặc dù nguồn gốc bệnh dịch chưa bao giờ được xác nhận.
Giáo sư Cunningham nói rằng nếu muốn ngăn chặn đại dịch khác trong tương lai, chúng ta phải tập trung vào nguyên nhân cũng như ảnh hưởng. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là sự hủy diệt của thiên nhiên, gây ra xung đột giữa động vật và con người.
“Ngay cả trong các khu bảo tồn thì rừng vẫn còn đó nhưng động vật hoang dã đã biến mất vì chúng bị đưa hết ra chợ. Thật dễ dàng để chĩa mũi dùi vào đâu đó nhưng tình trạng này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà ở nhiều quốc gia khác, thậm chí cả phương Tây. Chúng ta muốn nuôi thú cưng lạ, phần nhiều bị bắt từ thiên nhiên, và chúng ta nên giải quyết vấn đề của chính mình trước”.
Nhật Anh (Theo BBC)