Trong Thư ngỏ gửi Chính phủ Việt Nam nhân Ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2020), Tổ chức Humane Society International (HSI) kêu gọi Chính phủ Việt Nam đóng cửa ngay lập tức các chợ và địa điểm có buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và ban hành lệnh cấm tiêu thụ ĐVHD với bất cứ mục đích nào.
Việt Nam cần hành động cụ thể, quyết liệt
Trong thư, HSI đánh giá rất cao những thành tích ban đầu mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch này, đồng thời ghi nhận những hành động tích cực của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, như Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh thành kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn vi rút Corona lây lan theo tinh thần thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6 tháng 2 năm 2020.
Bên cạnh đó, ngay sau khi nhận được thư ngỏ của 14 tổ chức, trong đó có tổ chức HSI về việc kêu gọi Chính phủ Việt Nam có những hành động cụ thể tăng cường kiểm soát buôn bán ĐVHD và cấm tiêu thụ ĐVHD nhằm góp phần ngăn chặn đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo số 1744/VPCP-KGVX yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ ban ngành liên quan soạn thảo một chỉ thị về nghiêm cấm, mua bán, tiêu thụ ĐVHD trình Thủ tướng.
HSI bày tỏ, với mong muốn ngăn chặn sự bùng phát của những đại dịch tương tự COVID-19, tổ chức này đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn, thể hiện vai trò dẫn dầu trong việc ngăn chặn sự bùng phát của những đại dịch tương tự trong tương lai.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cần xác định và đóng cửa ngay lập tức các chợ và địa điểm có buôn bán ĐVHD. Ban hành lệnh cấm tiêu thụ ĐVHD với bất cứ mục đích nào (sử dụng để lấy thịt, làm cảnh, lấy da, làm thuốc đông y hoặc trưng bày trong các vườn thú hay bộ sưu tập tư nhân,…). Lệnh cấm này nên bao gồm cả ĐVHD bị săn bắt từ tự nhiên và loài bị nuôi nhốt vì những loài này thường bị tráo đổi, chà trộn trong quá trình buôn bán và vận chuyển.
Việt Nam cũng cần tổ chức kiểm tra trên diện rộng các cơ sở nuôi ĐVHD, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm và thu hồi mã số, giấy phép theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về nguồn gốc xuất xứ động vật gây nuôi; lập và duy trì cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại, đặc biệt là cơ sở nuôi các loài ĐVHD thuộc Danh mục loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và các loài thuộc Phụ lục I và II CITES; chỉ đạo các cơ sở nuôi gắn chíp điện tử hoặc thực hiện hình thức đánh dấu mẫu vật phù hợp với các loài trên và công khai trên công thông tin điện tử của Bộ một cách minh bạch để toàn xã hội theo dõi, giám sát. Bắt đầu thực hiện ngay các chiến lược giáo dục công chúng về những rủi ro của việc buôn bán và tiêu thụ ĐVHD đối với sức khoẻ con người.
Chính phủ cần cấm buôn bán động vật hoang dã, bao gồm xuất nhập khẩu ĐVHD, đặc biệt là động vật có vú và chim vì chúng mang các chủng vi rút Corona. Cam kết phối hợp với chính phủ các nước khác nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và chính sách, hướng tới mục tiêu chung là loại bỏ nguy cơ bùng phát đại dịch tương tự COVID 19 mà có liên quan trực tiếp đến nạn buôn bán ĐVHD cũng như các chợ ĐVHD.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh truyền thông về giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD trái pháp luật; không sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp; thực hiện chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về những rủi ro trong việc tiêu thụ động vật hoang dã đối với sức khoẻ cộng đồng và cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế và môi trường.
Các quốc gia phải chung tay chặn dịch
Tổ chức HSI lưu ý, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã thành lập một nhóm tư vấn không chính thức về đại dịch COVID-19 và mối quan hệ tương tác giữa người và động vật. HSI kêu gọi các chính phủ đề nghị nhóm này trở thành một nhóm hoạt động chính thức, với sự tham gia bắt buộc của các chuyên gia liên quan từ nhiều nước cũng như các cơ quan liên chính phủ (bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Ủy ban Codex Alimentarius). Nhóm chính thức cần có phạm vi hoạt động rõ ràng, các điều khoản và ngân sách nhằm đảm bảo nhóm sẽ cung cấp những chỉ dẫn, lời khuyên hữu ích và rõ ràng dựa trên bằng chứng khoa học cho các chính phủ về chủ đề buôn bán động vật hoang dã và phòng chống đại dịch.
HSI cũng đề nghị triệu tập một nhóm hoạch định chính sách cấp cao liên chính phủ được giao nhiệm vụ xem xét và triển khai các hành động chính sách cần thiết liên quan nhằm giảm thiểu rủi ro từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã/vi rút corona. Mặc dù đại dịch như COVID-19 có thể chỉ bắt nguồn từ một quốc gia duy nhất, nhưng tác động của chúng là toàn cầu và do đó cần phải có những hành động mang tính toàn cầu.
“Nếu các quốc gia trên thế giới không chung tay, phối hợp đóng cửa các chợ ĐVHD trên toàn cầu, thì sự bùng phát của đại dịch giống SARS-COVID- 2 là một điều chắc chắn sẽ xảy ra”, HSI nhận định.