Trong thời gian ngắn, Quảng Ninh đã có bước tiến trong việc bảo vệ môi trường biển, tránh đánh bắt “tận diệt” theo quy định của IUU.
Dừng ngay hoạt động đánh bắt “tận diệt”
Theo nhiều ngư dân ở huyện ven biển Vân Đồn (Quảng Ninh), hiện tượng các tàu cá đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt bằng giã cào, xung kích điện, thuốc nổ vẫn lén lút hoạt động, sẵn sàng qua mặt cơ quan chức năng.
Tuy nhiên theo quy định mới về việc đảm bảo khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, việc làm này đã được loại trừ bằng việc lắp đặt hệ thống máy định vị, thiết bị giám sat hành trình theo quy chuẩn.
Theo quy định này, đối với kích thước tàu lớn trên 24m của ông Phạm Văn Như, chủ tàu Vân Đồn 90964 bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và ông đã thực hiện đúng quy định. Theo ông Như, việc lắp đặt trang thiết bị máy móc phục vụ công việc đánh bắt cho ngư dân là hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với anh em ngư dân an tâm ra ngư trường. Hiện nay, các loại hải sản đang có xu hướng sụt giảm do nhiều yếu tố dẫn đến việc nhiều tàu cá lén lút vi phạm các vùng biển cấm, khai thác tận diệt.
Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh) cho hay: Quá trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá là bắt buộc. Thông qua đây, cơ quan quản lý có thể theo sát quá trình đánh bắt của ngư dân, thiết bị cho phép tàu cá gửi vị trí xác định hỗ trợ khi gặp sự cố. Việc lắp đặt thiết bị sẽ giúp hoạt động đánh bắt dần đi vào quy củ, tránh các phương thức đánh bắt có cơ ô nhiễm môi trường biển, mất nguồn lợi thủy sản dồi dào và hơn thế nữa.
“Tính đến nay, tổng số tàu cá tại Quảng Ninh có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình là 240 tàu, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m là 219 tàu, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 22 tàu. Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1069/QĐ-SNNPTNT-CCTS ngày 22/8/2019 về việc phê duyệt danh sách tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên lắp đặt thiết bị Movimar trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đến nay đã hoàn thành lắp đặt 22 thiết bị cho 22 tàu”, ông Giang cho biết thêm.
Đấy là câu chuyện đánh bắt xa bờ, thế nhưng một thực tế nữa mà Quảng Ninh gặp phải trong thời gian qua đó là việc hàng chục tàu cá di chuyển khắp các vùng ven biển của tỉnh khai thác hải sản, đặc biệt đối với khu di tích Vịnh Hạ Long. Việc khai thác ven bờ bằng hình thức “tận diệt” khiến nhiều loài sinh vật biển đặc hữu rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, cảnh quan khu di tích Vịnh dần bị ô nhiễm.
Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đánh bắt gây ảnh hưởng đến môi trường được ngư dân lý giải rằng điều kiện kinh tế khó khăn, không có đủ vốn để chuyển đổi nghề cũng như đầu tư phương tiện có công suất lớn để vươn khơi xa đánh bắt.
Trong khi đó, việc sử dụng các hình thức như thuốc nổ, hoặc đánh bắt gần bờ khu vực ven biển đem lại nhiều lợi thế hơn đối với họ. Trước đây, cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ninh thừa nhận còn coi nhẹ vấn đề này và chưa có chế tài xử phạt vi phạm đủ sức răn đe và đôi khi là thiếu kiên quyết, mang tính hình thức.
Bảo tồn đa dạng sinh học
Vùng biển Quảng Ninh được đánh giá là đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi thuỷ sản với 315 loài cá và 450 động vật thân mềm, trong đó có những loại thuỷ sản đặc hữu nổi tiếng và có số lượng lớn. Thế nhưng, trước thời điểm năm 2017, tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, có những loại thuỷ sản quý hiếm giảm số lượng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng.
Việc đấu tranh ngăn chặn kiểu đánh bắt tận diệt này đã được Quảng Ninh nhìn nhận đúng đắn và tăng cường đấu tranh trên nhiều phương diện: Chú trọng vận động ngư dân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tích cực tố giác những đối tượng có hành động vi phạm.
Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho ngư dân, xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động ven bờ. Nếu ngư dân không chuyển đổi nghề sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện chuyển đổi ngư cụ đánh bắt để đảm bảo đời sống lâu dài cho bà con.
Đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tỉnh Quảng Ninh đã có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp cùng ngành chức năng địa phương trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Bước đầu các giải pháp đã phát huy hiệu quả, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thuỷ sản đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản được các lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nên đã liên tiếp phát hiện, ngăn chặn hàng nghìn vụ việc liên quan.
Chỉ tính riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến cuối năm 2019 đã triển khai gần 3.500 lượt tổ với gần 20.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát, mật phục trên vùng biển. Qua đó, đơn vị đã phát hiện, xử lý gần 1.000 vụ việc ngư dân sử dụng các công cụ khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt, hành vi buôn bán, vận chuyển giống thủy sản không rõ nguồn gốc…
Sở NN-PTNT địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, như: Công bố và hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đường dây nóng; chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tuần tra kiểm soát 24/24h để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, vận chuyển chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; đôn đốc các địa phương rà soát tàu cá sử dụng nghề cấm, ngư cụ cấm khai thác thủy sản để có biện pháp xử lý phù hợp; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Đỗ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Thông qua những giải pháp phù hợp đã làm cho ý thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến, nhận thức của người dân, nhất là ngư dân đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được nâng lên rõ rệt.
Ngày càng xuất hiện nhiều những gương người tốt, việc làm hay trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thể hiện qua các hành động chung tay làm sạch môi trường biển, bảo vệ, giải cứu các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm như rùa biển, cá voi… Nhờ đó, hiện nay, nguồn lợi thủy sản tại một số khu vực, nhất là vùng biển Vịnh Hạ Long đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.