Vốn được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới nhưng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cũng không thể vượt quá cú cản phá của 3 sự kiện – được xem là 3 yếu tố “định vị” lại thời đại – gồm đại dịch COVID-19, tài chính toàn cầu co lại, và giá dầu giảm. Đây là những sự kiện liên quan, củng cố lẫn nhau.
Minh chứng rõ ràng của những cú sốc này là nhu cầu sử dụng điện giảm. Trước đó, cuộc suy thoái kinh tế giai đoạn 2008-2009 làm giảm nhu cầu điện ở Hoa Kỳ trong khoảng 10 năm và tới năm 2018, doanh số bán điện tại quốc gia này mới vượt mức năm 2008. Còn ở thời điểm hiện tại, sử dụng điện của Hoa Kỳ vào ngày 27/3/2020 thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm nhu cầu sử dụng điện từ 2018 – 2020 tương ứng với sự mất mát của khoảng 3 năm tăng trưởng doanh số. Khi khủng hoảng diễn ra, sử dụng điện sẽ đi theo con đường tương tự như tổng sản lượng kinh tế nhưng tỷ lệ phần trăm giảm ít hơn nhiều. Đó là vì sử dụng điện là cần thiết, các dịch vụ thiết yếu và hộ gia đình sẽ tiếp tục sử dụng điện. Một số dịch vụ như chăm sóc sức khỏe thậm chí còn sử dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, doanh thu của ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi hầu hết các tiện ích đang tự nguyện tạm ngừng hoạt động do không thanh toán hóa đơn và trì hoãn tăng lãi suất theo kế hoạch hoặc đề xuất.
Giảm nhu cầu do tác động từ nền kinh tế (có vẻ xảy ra trên toàn thế giới) sẽ tác động đến tình hình mới lắp đặt năng lượng tái tạo. Các ngành đều thắt chặt ngân sách và trì hoãn việc xây dựng nhà máy mới. Các công ty sản xuất pin mặt trời, tua-bin gió và công nghệ năng lượng xanh sẽ tạm gác lại kế hoạch tăng trưởng để áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Ví dụ, dự án phân tích công nghệ sạch có uy tín của Morgan Stanley lần lượt giảm 48%, 28% và 17% hoạt động lắp đặt quang điện mặt trời của Hoa Kỳ trong quý II, III và IV năm 2020.
Năng lượng sạch có động lực
Các yếu tố bù trừ sẽ bù đắp một phần sự suy giảm này, ít nhất là ở các nước giàu có. Nhiều nhà máy năng lượng tái tạo đang được xây dựng vì những lý do khác ngoài nhu cầu tăng, chẳng hạn như các mục tiêu năng lượng sạch theo luật pháp quy định, và đã được ký hợp đồng hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Chính sách của chính phủ và áp lực từ công chúng cũng đang buộc các công ty phải dừng hoạt động những nhà máy nhiệt điện than. Từ năm 2010, 102.000 MW công suất điện than đã ngừng hoạt động – gần 1/3 tổng số nhà máy loại này của Mỹ – và ít nhất 17.000 MW dự kiến sẽ dừng vào năm 2025. Hầu hết sẽ được thay thế bằng điện gió, điện mặt trời và thủy điện.
Bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay, vẫn có áp lực dài hạn từ nhiều hướng về việc cần có thêm năng lượng không carbon. 50 công ty của Hoa Kỳ đã cam kết thực hiện các mục tiêu giảm carbon, trong đó 21 công ty cam kết sẽ không phát thải carbon vào năm 2050.
Mua năng lượng xanh tự nguyện của các công ty Hoa Kỳ đã tăng gần 50% trong năm ngoái, lên 9.300 MW – gần 1% tổng công suất điện cả nước. Và khách hàng dân cư cũng lựa chọn mua thêm năng lượng tái tạo thông qua chương trình năng lượng mặt trời cộng đồng.
Từ đầu năm 2019, giá dầu thô giảm gần 64%. Như chuyên gia dầu mỏ Daniel Yergin đã quan sát gần đây, giá còn giảm sâu và kéo dài: “Đó là vấn đề chiến tranh giá dầu trong một thị trường hạn hẹp khi các bức tường khép lại. Thông thường, nhu cầu sẽ giải quyết vấn đề theo một cách nào đó bởi vì giá thấp đóng vai trò như cắt giảm thuế và sẽ là tác nhân kích thích. Nhưng không phải trong trường hợp này vì hoạt động kinh tế đều đang đóng băng”.
Giá dầu giảm mạnh kéo theo giá khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ giảm khoảng 1/3 so với năm trước. Giống như điện và dầu, sử dụng khí đốt tự nhiên tăng giảm theo hoạt động kinh tế nhưng ít nhạy cảm với xu hướng kinh tế hơn ngành dầu mở và nhạy cảm hơn việc sử dụng điện tương đối ổn định.
Thông thường, khí đốt tự nhiên rẻ hơn sẽ kích thích nhu cầu dùng điện bằng cách giảm giá điện, qua đó tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong thời đại bất thường này, tác động của giá dầu và giá khí đốt tới năng lượng tái tạo sẽ mờ nhạt và phức tạp, và có lẽ sẽ khác biệt đáng kể theo từng thị trường và từng khu vực.
Với một số nhà máy mới được xây dựng ở những nơi chính sách không bắt buộc năng lượng tái tạo, việc sử dụng dầu và khí đốt sẽ rẻ hơn. Ví dụ, bây giờ thay thế việc dùng diesel bẩn phát điện bằng năng lượng mặt trời cộng với một số hình thức lưu trữ năng lượng sẽ không hấp dẫn như một năm trước.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại ở các quốc gia đang phát triển với nhu cầu khẩn thiết là mở rộng cung ứng điện càng rẻ càng tốt. Những nền kinh tế này luôn thiếu vốn và rất nhạy cảm với chi phí năng lượng. Nếu các nước lựa chọn nhiên liệu hóa thạch giá rẻ thay vì năng lượng tái tạo, điều đó sẽ không tốt cho cả chất lượng không khí và chính sách khí hậu.
Việc các ngân hàng trung ương đang thúc đẩy lãi suất cực thấp hoặc thậm chí lã suất âm để đối phó với khủng hoảng kinh tế có thể giảm thiểu rủi ro này bằng cách hỗ trợ năng lượng tái tạo (vốn đòi hỏi chi phí vốn cao) để kinh phí lắp đặt rẻ hơn. Điều quan trọng là tránh sự thay đổi sang sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch mới.
Thiếu hụt nguồn cung vật liệu từ Trung Quốc
Những tác động ngắn hạn đáng kể nhất đối với các nhà máy năng lượng tái tạo đã ký hợp đồng hoặc đang xây dựng có thể được cảm nhận thông qua chuỗi cung ứng. Những người chèo lái ngành năng lượng tái tạo lường trước việc giao hàng và tốc độ xây dựng giảm vì các quốc gia đóng cửa sản xuất để ngăn chặn coronavirus lây lan hoặc do công nhân nhiễm bệnh.
Nhiều bộ phận cung cấp cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần nguồn cung từ Trung Quốc, các nước châu Á hoặc Hoa Kỳ. Đây là những chuỗi cung ứng chuyên biệt không có nhiều sản phẩm thay thế.
Sự bùng phát COVID-19 đã làm gián đoạn khâu sản xuất vật liệu và các tấm pin mặt trời ở Trung Quốc khiến các dự án ở Ấn Độ và Úc đình trệ. Và sẽ cần tới một hoặc hai năm mới bù lại được sự gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc.
Nói chung, năng lượng tái tạo tăng chậm lại sẽ là một trong nhiều hệu ứng tiêu cực từ virus cộng với giá dầu giảm. Tác động ở các thị trường mới nổi đặc biệt đáng lo ngại khi một nhà máy nhiên liệu hóa thạch mới sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ và phát thải CO2.
Nhưng những hiệu ứng này sẽ không chỉ thuần tiêu cực và cuộc khủng hoảng này không thể thay đổi xu hướng dài hạn về năng lượng không carbon. Một khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại, có lẽ các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh nỗ lực chính sách khí hậu, trước khi vectơ gây bệnh do khí hậu hoặc thảm họa thời tiết tiếp theo gây ra một cú sốc kinh tế toàn cầu khác.
Nhật Anh (theo The Conservation)