Từ cuối tháng 2 đến nay, liên tiếp những vụ phá rừng tại tỉnh Kon Tum đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Thế nhưng các đối tượng khai thác rừng trái phép dường như không biết sợ, vừa bắt vụ này thì lại xảy ra vụ khác. Việc áp dụng những biện pháp mạnh tay trừng trị các đối tượng này nhằm răn đe và bảo vệ tài nguyên rừng đang dần mất đi là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Gian nan bảo vệ rừng
Vào lúc 2 giờ đêm 29-2, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã tuần tra, mật phục và bắt được vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép tại tiểu khu 277 thuộc xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Lực lượng chức năng bắt được 11 lâm tặc, thu giữ gần 35m3 gỗ dổi (nhóm III) và 11 xe máy độ chế.
Những tưởng sau khi bắt được nhóm lâm tặc trên thì các đối tượng khai thác gỗ trái phép khác phải e dè, nhưng đến ngày 5-3, lực lượng chức năng lại phát hiện và bắt giữ một vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 258, xã Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông. Tang vật thu được gồm 11 xe máy độ chế đang vận chuyển 11 lóng gỗ dổi (hơn 3,2m3) và một xe máy độ chế không chở gỗ. Các đối tượng khai thác gỗ trái phép đã bỏ xe và tang vật chạy trốn vào rừng.
Ông Hoàng Văn Chất, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô chia sẻ với phóng viên Nhân Dân Điện tử về những khó khăn, vất vả để ngăn chặn hành vi khai thác rừng trái phép: “Trước tiên, chúng tôi xác định các khoảnh, tiểu khu có các chủng loại gỗ quý, hiếm, số lượng tương đối nhiều, chắc chắn sẽ có các đối tượng rình rập, khai thác trộm ở các khu vực này. Chúng tôi tổ chức lực lượng đi bộ từ 16 giờ đến 24 giờ đêm thì tiếp cận được hiện trường, mai phục đến gần 2 giờ sáng thì nghe được tiếng cưa. Các đối tượng thường cưa cả đêm và vận chuyển khi trời còn chìm trong bóng đêm nên việc mai phục để bắt được các đối tượng này rất khó khăn. Khi phát hiện được tiếng xe máy và tiếng cưa, nếu chúng tôi ùa tới thì chắc chắn các đối tượng sẽ tẩu thoát, nên chúng tôi phải mai phục, chia lực lượng ra hai bên đường giống như đánh trận hồi trước. Các đối tượng phá rừng trái phép thường đi một dãy dài thành một hàng cách xa nhau, lực lượng chúng tôi phải rải đều trên tuyến đường đó. Khi tốp xe máy đi đầu tiến tới thì lực lượng hai bên ập vào tóm gọn”.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, cho biết, từ tháng 9-2019, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Mom Ray bị giải thể, chuyển thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, rất hạn chế về quyền và trang bị. Đối mặt với các đối tượng phá rừng trái phép manh động, hung hãn, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chỉ được trang bị công cụ, dụng cụ thô sơ, sử dụng khi cần thiết. Khi lâm tặc chống trả, đánh lại thì không được coi là chống người thi hành công vụ.
Cần những biện pháp mạnh tay, nghiêm trị hành vi phá rừng
Trước sự manh động của các đối tượng khai thác rừng trái phép, một thành viên Đội bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô bức xúc: “Chúng tôi phát hiện và bắt giữ 13 đối tượng cùng tang vật mới có mấy ngày thì họ lại tiếp tục vào rừng khai thác gỗ. Cái khó của những người bảo vệ rừng chúng tôi là diện tích rừng rộng, lực lượng chuyên trách bảo vệ của công ty lại mỏng. Muốn bảo vệ rừng, chúng tôi phải thường xuyên đi tuần tra ban đêm. Đường đi vào ban đêm khó, anh em đi tuần rất vất vả. Các đối tượng đã lợi dụng đêm khuya, địa hình phức tạp, lực lượng bảo vệ rừng ít để khai thác gỗ trái phép. Với sự liều lĩnh và manh động của lâm tặc, tôi nghĩ cuộc chiến của lực lượng bảo vệ rừng và lâm tặc sẽ còn cam go và dai dẳng.
Có thể nói, tài nguyên rừng hiện nay là một món hàng siêu lợi nhuận đối với các đối tượng khai thác rừng trái phép. Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận nhân dân ở gần rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu việc làm và nhu cầu đất sản xuất cao; giá cả các loại nông sản (cao-su, cà-phê…) sụt giảm mạnh, thu nhập không ổn định; để bảo đảm đời sống phải dựa vào sản xuất nương rẫy và khai thác lâm sản. Chính vì vậy, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng trái pháp luật rất khó khăn, vì các đối tượng vi phạm phá rừng hầu hết là người dân tại địa phương. Quá trình xác minh thực tế của cơ quan kiểm lâm phối hợp chính quyền địa phương, thì hầu hết các đối tượng vi phạm có đời sống khó khăn, không có khả năng nộp phạt, không có tài sản có giá trị để bảo đảm cưỡng chế.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, so cùng kỳ năm 2019, tổng số vụ khai thác rừng trái phép giảm 100 vụ (gần 48,5%); khối lượng gỗ vi phạm giảm gần 1.00 m3 (70,26%). Diện tích rừng của tỉnh còn rất lớn, đặc biệt là rừng tự nhiên, phân bố trên địa bàn rộng và phức tạp rất khó khăn cho bố trí lực lượng bảo vệ rừng phát hiện ngăn chặn kịp thời đối tượng và hành vi vi phạm. Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn mỏng, như tại huyện Ia H’Drai, một kiểm lâm địa bàn phải quản lý hơn 30.000ha rừng.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết: “Rạng sáng 17-3, chúng tôi lại mật phục bắt được một vụ khai thác rừng trái phép, tang vật thu được gồm 7m3 gỗ và 5 xe máy. Hoạt động của “lâm tặc” gần đây là hoạt động có tổ chức: Nhóm từ 10 đến 15 đối tượng được đầu nậu cung cấp xe độ, chế, thực phẩm để ăn uống, hoạt động trong rừng…; Chia việc chuyên nghiệp: tốp thì cắt hạ, tốp xẻ cây, tốp tời cây, còn lại vận chuyển gỗ trong rừng ra đến chỗ đầu nậu. Hạ cây nào dứt điểm cây ấy. Trên đường vận chuyển ra khỏi rừng, xe này cách xe kia vài chục mét, khi có động chúng chạy đứt dây chằng, bỏ gỗ, bỏ xe chạy lấy người. Chúng tôi bắt được 5-7 xe máy độ, chế với khối lượng gỗ khai thác trái phép ít thì chưa đủ để đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Chính vì vậy, tôi đề nghị các ngành chức năng xử lý ngay các xe máy độ, chế để bảo đảm an toàn giao thông, chặt đứt phương tiện vận chuyển của lâm tặc. Giao thêm quyền hạn đi kèm quyền lợi cho các đơn vị chủ rừng khi truy bắt lâm tặc”.
Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh tay, nghiêm trị các hành vi khai thác rừng trái phép nhằm tăng tính răn đe, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá tại Kon Tum, “lá phổi xanh” của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.